Luận Về Tôn Ngô Binh Pháp

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014 | comments

 Luận Về Tôn Ngô Binh Pháp

Trung Quốc cổ thời có nhiều nhà quân sự tài ba và nhiều bộ binh pháp nổi tiếng như: Thái Công Binh Pháp, Lục Thao Binh Pháp, Tư Mã Binh Pháp, Tôn Tử Binh Pháp, Ngô Tử Binh Pháp. Nhưng được lưu truyền mạnh mẽ nhất là hai bộ binh pháp của Tôn Võ Tử và Ngô Khởi và đời sau hay nhập hai bộ nầy lại làm một và gọi tắt là Tôn Ngô Binh Pháp, có thể được xem là tinh hoa của binh pháp Trung Quốc.

 
Trong lãnh vực tư, các nhà lãnh đạo của các công ty Tây Phương ngày nay thường hay áp dụng binh pháp nầy vào trong các cuộc cạnh tranh trên thương trường. Sách “The Art of War” dịch ra từ Binh Thư Tôn Tử thường được các sinh viên học về quản tri kinh doanh ở các trường đại học nghiên cứu.
Tôn Tử Binh Pháp khác với Ngô Tử Binh Pháp ở chổ ông Tôn Tử xem vấn đề binh bị như là một vấn đề quân sự thuần túy, tách rời ra hẳn với những vấn đề chính trị. Trong cuộc sống cũng vậy, ông không dính dự vào những vấn đề chính trị của nhà vua. Nó tương tự như quân đội của các thể chế dân chủ hiện thời. Ngược lại Ngô Tử gắn chặt vấn đề binh bị vào vấn đề chính trị. Do đó hơi giống như quyển “Quân Vương” của Machiavelli ở Tây Phương nhưng nghiêng nhiều hơn về mặt quân sự.

Trung Quốc trong ba năm qua (2009-2011) đã theo đuổi một chính sách lấn lướt trên thế giới, nhất là ở Đông Nam Á và Biển Đông. Chính sách này đã gặp thất bại vì làm các nước hoảng sợ, nghiêng về phía Hoa Kỳ. Trong khi đó Hoa Kỳ nhận thấy sự phát triển của họ trong Thế Kỷ 21 là ở Châu Á-Thái Bình Dương cho nên nhân cơ hội này đã nhanh chóng bắt lấy để điều chỉnh chính sách đối ngoại. TQ nhận thấy bị thất bại nên cuối năm 2011 đã điều chỉnh chính sách, chuyển từ quyền lực cứng sang quyền lực mềm và bắt đầu quan tâm sử dụng trở lại Tôn Ngô Binh Pháp.

Chúng ta thử lấy một vài nguyên tắc của Tôn Ngô Binh Pháp để nghiên cứu xem nó có giúp gì cho chúng ta không trong cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ với đảng CSVN. Đọc qua là một điều dễ làm, nhưng ứng dụng hay quyền biến được gì cho kim thời là một điều khó hơn. Ngày nay, tuy môi trường và kỹ thuật chiến đấu đã khác xưa nhiều, nhưng về bản chất, đặc tính, sự suy nghĩ, sự tác động lẫn nhau của nhân sinh thì không thể vượt qua được xã hội loài người. Do đó, nó vẫn còn có những vấn đề bất biến về nguyên tắc.

Tôn Tử nhấn mạnh đến vấn đề chiến lược, đánh và thắng trận bằng đầu óc, việc đánh bằng quân binh và vũ khí chỉ là giải pháp cuối cùng, khi không còn cách nào khác. Ông chú trọng đến tình hình thực tại, luôn luôn chuyển biến của chiến trường và có một phong thái chừng mực, khác hẳn với nhà quân sự nổi tiếng Clausewitz của nước Phổ (Prussia) ở Tây Phương chủ trương tuyệt đối, thuần lý, toàn diện trong chiến tranh, không bị giới hạn tình cảm.

Tôn Tử cho rằng nghệ thuật tột đỉnh của chiến tranh là chế ngự được kẻ thù mà không cần phải đánh, chiếm được thành lũy mà giữ được sự nguyên vẹn, lật đổ được chính quyền mà không gây đổ máu. Ông nhấn mạnh đến việc khai thác những yếu tố bất ngờ và dùng lối tấn công gián tiếp.
Ông nhắc nhở nhà vua và các nhà chỉ huy quân đội là không nên chỉ cậy dựa vào sức mạnh quân sự, vì ông không quan niệm chiến tranh trong cái nghĩa chém giết và tàn phá, mà là chiếm được một cách trọn ven, không sức mẽ, hoặc gần như không bị sức mẽ, là đối tượng chính của chiến lược.

Vì cho rằng chiến thắng không phải là mục đích tối hậu của chiến tranh, do đó ông không chấp nhận chiến tranh trường kỳ, vì cho rằng không nước nào có lợi cả cho một cuộc chiến như vậy. Chiến lược gia phải đọc được đầu óc và sự tính toán của kẻ thù, biết được và chuẩn bị kỹ càng trong việc thấu hiểu phía địch và biết rõ chính mình, thì sự chiến thắng được coi như biết trước.
Muốn chiến thắng thì quân tướng phải sảng khoái, đoàn kết, có tinh thần chiến đấu cao độ, kế đến tìm cách làm nhục ý chí và làm hoang mang quân địch rồi tấn công. Chính sách hay nhất là tấn công những kế hoạch của kẻ thù, thứ đến là làm sụp đổ những liên minh quân sự của họ.

Nếu có một chân lý trong chiến tranh thì cái chân lý đó là “sự luôn luôn huyền biến“. Vai trò của một viên tướng là tạo ra những biến đổi và xoay trở những biến đổi nầy để giữ lợi thế. Khi thấy cơ hội xuất hiện thì phải hành động thật nhanh và thật dứt khoát.

Còn Ngô Tử coi việc binh bị là một phương tiện của nhà vua để xây dựng đế nghiệp. Do đó, lúc sinh thời, ông đến giúp nước nào thì nước đó trở thành hùng mạnh. Đó là một ưu điểm của ông trong việc phục vụ chế độ chính trị quân chủ chuyên chính, nhưng đó cũng là tử điểm của ông vào lúc cuối đời.
Ông cho rằng muốn thắng trận thì trước hết đất nước phải thực sự hòa hợp và đoàn kết. Nếu trong nước không hòa hợp thì đừng ra quân, trong quân không hòa hợp thì đừng bày trận, trong trận không hòa hợp thì đừng tiến đánh, khi đánh không hòa hợp thì không thể thắng được
.
Việc chiến thắng địch thì dễ hơn là việc giữ được đất nước địch, do đó ông cho rằng việc chỉ lo háo thắng là một điều tai họa “ai thắng năm lần thì gặp tai họa, thắng bốn lần thì chịu tệ hại, thắng ba lần thì làm bá, thắng hai lần thì làm vương, thắng một lần thì làm đế.” Quan niệm nầy tương tợ như quan niệm của ông Winston Churchill trong Đệ Nhị Thế Chiến là có một kế hoạch (plan) rõ ràng để chiến thắng mặc dù thực tế chiến trường không xảy ra như dự liệu và cần phải luôn luôn điều chỉnh, hay “thua không có nghĩa là thất bại, bỏ cuộc mới là thất bại.

Ông chia đối thủ ra làm năm loại và tìm hiểu đối thủ rơi vào hạng loại nào để đánh cho thích hợp. Năm loại đó là: (1) nghĩa binh hay binh cứu nước; (2) cường binh hay binh đông và mạnh; (3) cương binh hay binh được dấy lên vì do sự giận dữ; (4) bạo binh hay binh hung dữ, tham lợi; (5) nghịch binh hay đem binh đi đánh bên ngoài để khỏa lấp những chuyện rối rắm bên trong.
Ông luôn nhấn mạnh đến vấn đề tổ chức và kỹ luật để đào tạo đội quân tinh nhuệ, nhưng khi đi đánh thì phải làm sao cho nhân dân trông thấy là bên ta phải lẽ, bên địch trái lẽ. Trước khi đánh phải điều nghiên phong tục, tánh tình của người dân trong nước địch, tùy theo văn hóa và tánh khí của nước địch thù mà cách đánh khác nhau.

Trong tám trường hợp mà ông cho là phải đánh ngay thì có sáu trường hợp phát xuất từ địch tình như (1) địch bị kẹt lâu ngày ở một địa hình bất lợi, (2) cạn lương không có tiếp vận, (3) quân ít không có đồng minh, (4) đường xa mệt mõi, (5) lãnh đạo kém lòng quân không vững, (6) địch ở địa thế bất lợi mà trận địa chưa bày. Còn hai trường hợp do thời tiết như (1) địch di binh khi trời gió lạnh, (2) vượt đường xa trong những ngày nóng bức.

Nghiên cứu địch tình, ông quan tâm xem họ có thiếu tổ chức? thiếu đồng minh? thiếu lãnh đạo? thiếu phòng thủ? Và khi tấn công thì ông tấn công ở những lúc và những nơi mà họ sơ xuất. Ông luôn luôn tìm cách đẩy địch vào cái lề lối, chiều hướng, la bàn suy nghĩ của họ và không cho họ rãnh tay để suy nghĩ và biết cách dụng binh của ông “ta bày trận tròn thì phải buộc chúng đổi thành trận vuông, binh ta ngồi ta buộc chúng đứng dậy, binh ta đi ta buộc chúng đứng lại, binh ta qua trái ta buộc chúng qua phải, binh ta quay ra trước ta buộc chúng quay ra sau, binh ta phân tán ta buộc chúng tụ họp, binh ta kết hợp ta buộc chúng giải tán.”

Ông cho rằng người tướng giỏi cần có năm đức tính (1) quản lý dễ dàng số đông, (2) ở tư thế luôn luôn chuẩn bị, (3) có tinh thần quả cảm, (4) luôn có tinh thần kỹ luật cao độ dù thắng hay thua, (5) rõ ràng và cương quyết hoàn thành trọng trách.
Nắm vững địa thế sẽ làm cho việc dụng binh được dễ dàng và không bị tốn phí “dùng quân đông cần đất dễ, dùng quân ít cần đất hiểm.” Trong trường hợp địch đông, ta ít thì ở đất dễ ta tránh địch, ở đất kẹt ta đón chúng. Ông cho rằng ở đất kẹt có thể lấy một đánh mười, ở đất hiểm có thể lấy mười đánh trăm, ở đất khó có thể lấy ngàn đánh mười ngàn.

Chúng ta thường nghe nói “tam thập lục kế” hay 36 mưu kế hay trong chiến đấu, 36 kế nầy đều được rút ra hầu hết từ Tôn Ngô Binh Pháp như (1) kế “che mắt thế gian” được rút ra từ quan niệm của Tôn Tử là cái giỏi trong việc hành binh là làm cho nó vô hình, (2) kế “vây Ngụy cứu Triệu” được rút ra từ Tôn Ngô Binh Pháp, áp dụng cho những trường hợp giải vây, (3) kế “mượn tay người khác” hay quan niệm “kẻ thù của kẻ thù của chúng ta là bạn ta” dựa từ chuyện Hàn Phi Tử và Tam Quốc Chí mà trong đó Khổng Minh nhờ tay Tôn Quyền để đánh Tào Tháo, (4) kế “lấy khỏe đánh mệt” rút từ Tôn Tử về việc lấy kẻ gần đánh kẻ ở xa, lấy kẻ nghĩ ngơi đánh người mõi mệt, lấy người no đánh ké đói, (5) kế “thừa gió bẻ măng” dựa vào chiến thuật giành lấy trong rối loạn của Tôn Tử, (6) kế “giương đông kích tây” hay diện và điểm, làm cho địch tập trung sức mạnh vào điểm A để đánh điểm B, (7) kế “có ít xích to” để tuyên truyền dụ hoặc, (8) kế “ngầm vượt Trần Thương” dựa vào chuyện Hán Sở Tranh Hùng, chủ yếu là đánh lạc hướng, (9) kế “cách sông ngắm lửa”  dựa vào Tôn Tử về việc lấy trị để đối phó với loạn, lấy tỉnh để đối phó với động, ngồi bên sông xem nhà cháy mà đợi cơ hội, (10) kế “ngọt mật chết ruồi” hay dùng lời lẽ ngon ngọt dể đưa địch vào cạm bẩy, (11) kế “mận chết thay đào” hay Lê Lai cứu chúa, (12) kế “đánh bùn sang ao” hay đánh lạc sự chú ý,  (13) kế “thả bóng thăm dò” dựa vào Tôn Tử dùng biến thế để quan sát phản ứng của đối phương, (14) kế “hồn Trương Ba da hàng thịt” hay rượu cũ bình mới, (15) kế “điệu hổ ly sơn” hay dụ con cọp ra khỏi núi, dựa vào Binh Thư Tôn Tử, (16) kế “muốn bắt thì phải thả” hay lùi một bước để tiến ba bước, ngụ ý thả lỏng hay làm lơ để địch mất sự phòng bị hay lo sợ rồi ra tay, (17) kế “thả hòn đất, cất hòn vàng” hay bỏ con tép bắt con tôm, hy sinh cái nhỏ để đạt việc to, (18) kế “bắt giặc phải bắt tướng” dựa theo Tôn Tử là diệt được đầu não của địch là quan trọng, phá quân địch là thứ yếu,  (19) kế “rút củi đáy nồi” hay nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, hàm ý phải giải quyết vấn đề từ cái nguyên nhân, (20) kế “đục nước béo cò” dựa vào Tôn Tử là làm rối lên nhưng mình không được rối, (21) kế “ve sầu lột xác” đây là kế thoát thân làm cho địch không kịp phát hiện ra, (22) kế “đóng cửa bắt cướp” dựa vào thuật bao vây của Tôn Tử, (23) kế “xa thì giao hảo, gần thì tấn công“, kế nầy áp dụng yếu tố địa lý chính trị như TQ đã làm với VN, (24) kế “mượn đường phạt Quắc” do sự tích nước Tấn muốn đánh nước Ngu nhưng nói với nước Ngu là muốn mượn đường nước Ngu để đi đánh nước Quắc, (25) kế “trộm xà thay cột” dựa vào Tôn Tử là điều động binh như thế nào để địch phải biến hóa theo, đến một lúc địch mất đi cái thế mạnh mà lòi ra cái thế yếu, (26) kế “chỉ chó mắng mèo” hay giết gà để răn khỉ, dựa vào Tôn Tử về lệnh bằng văn trị bằng võ, (27) kế “giả dại qua ải” dựa vào Tôn Tử để lừa địch trong thời kỳ ta còn chuẩn bị, (28) kế “qua sông đốt thuyền” hay lên nóc rút thang, dựa vào Tôn Tử phải giành chiến thắng ở nơi đất chết, (29) kế “hoa nở trên cành” dựa vào Tôn Tử về việc nghi binh, (30) kế “chuyển ngôi chủ khách” dựa vào Tôn Tử là biến thế thụ động thành chủ động, thế khách thành thế chủ,  (31) “mỹ nhân kế” dựa vào Hàn Phi Tử, (32) “không thành kế” dựa vào Khổng Minh lừa Tư Mã Ý bằng cách lấy không làm có, lấy ít làm nhiều, (33) kế “phản gián” dựa vào Tôn Tử dùng tình báo của địch để đánh địch, (34) “khổ nhục kế” dựa vào thời Chiến Quốc chịu khổ nhục trá hang để lấy lòng tin của địch, (35) “liên hoàn kế” tức là dùng nhiều kế cùng một lúc theo thế liên hoàn hổ tương nhau, (36) kế “tẩu vi thượng sách” dựa vào Ngô Tử, không thắng thì chạy cho nhanh.

Tôn Tử đặt nặng vào vấn đề chiến lược và dùng sự tính toán cao thấp để chiến thắng đối phương, nó rất phù hợp với khoa học lãnh đạo và quản trị của các đại học Tây Phương kim thời vì họ luôn luôn tập trung vào những vấn đề chiến lược (strategy) và kế hoạch (plans). Tôn Tử không đánh địch một cách trực tiếp mà tìm cách đánh vào các chiến lược, chương trình và kế hoạch của địch.
Chiến tranh hay hòa bình đều chỉ là môi trường của sự tranh đấu. Ngày nay, trong Thời Đại Thông Tin và môi trường hòa bình, chúng ta không thể dùng phương tiện của chiến tranh, tức vũ lực, để tranh đấu với CSVN một cách hữu hiệu được. Nhưng chúng ta có khả năng đánh vào ý thức hệ, các chiến lược, chương trình và kế hoạch của chúng.

Nếu khôn khéo, chúng ta có đủ khả năng để luôn luôn quyền biến như cách điều binh thần tình của Tôn Tử và một sự hòa hợp, đoàn kết trước khi lâm trận như Ngô Tử quan niệm. Với khả năng sáng tạo, chúng ta có thể làm nên một bản nhạc nhiệm mầu mà các nhạc công với nhạc cụ riêng của mình (tức các tổ chức chính trị riêng rẽ) đều có thể tham gia để nhân dân Việt Nam được thưởng thức một bản đại hòa tấu vang lừng của Thế Kỷ.

Những ngày cuối năm 2011 từ 26 đến 31 tháng 12, trong Hội Nghi Trung Ương 4 của CSVN, ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng rên rĩ trong tuyệt vọng về “sinh mạng của Đảng và sự tồn vong của chế độ”, biểu hiện lời trăn trối và điềm báo của một chế độ độc tài sắp tàn, khi thế giới chào đón năm mới 2012 với sự nở hoa của các chế độ dân chủ. Nếu áp dụng chiến lược Tôn Ngô cho cuộc cách mạng ở Việt Nam và thành công, thì chúng ta sẽ có được một nước Việt Nam trọn vẹn mà không bị sức mẽ.

Lê Minh Nguyên
Chia sẻ bài viết này :


Đăng nhận xét

 
Copyright © 2014. Nhà Báo Nguyễn An Dân - All Rights Reserved
Proudly powered by Blogger