Tổ chức chính trị dân chủ phải như thế nào ?

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016 | comments

Cách đây mấy hôm có hai anh em của mình đã trao đổi góc nhìn về vấn đề tổ chức chính trị, nay có lời bàn luôn ở đây cho rộng đường dư luận

Một người bạn viết là anh ấy đang "chán đảng CSVN" nhưng chưa nhìn thấy tổ chức nào đủ tầm mức để anh ấy ủng hộ
Một người bạn khác đọc ý kiến đó và nói rằng cần có một số tiêu chí về một tổ chức như thế nào để hiểu rằng đó là một tổ chức tốt để quần chúng biết mà ủng hộ.
Trước tiên, cần thấy là cả 2 vấn đề mà 2 bạn ( và có lẽ nhiều người nữa) đặt ra là cần thiết. Vấn đề rất khó khi bàn bạc và đề cập, vì chúng ta có thể thấy là có nhiều quan điểm chỉ đạo của các lãnh đạo đảng, nhà nước về việc "kiên quyết không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập"
Để né tránh vấn đề này và có thể hoạt động được, nhiều người tranh đấu dân chủ lập ra các tổ chức XHDS, nhưng khi thành lập và tham gia tổ chức XHDS rồi, những người đó bị mắc kẹt vào chính mục đích thành lập tổ chức đó.
Từ tranh đấu chính trị chuyển qua tranh đấu dân sự-dân sinh trong chức năng của tổ chức XHDS đó, khi quay lại hoạt động chính trị thì dễ bị đánh giá quy kết là "núp bóng XHDS để mưu đồ chính trị", thế là ít nhiều cũng bị thiếu chính danh.
Một lối đi khó khăn khác nữa là có những tổ chức chính trị thành lập ra với mục đích là vận động cho dân chủ pháp trị chứ không cần núp bóng cái vỏ XHDS, nhưng do nhiều lúc thiếu thốn tài chính và nhân lực dẫn đến phải liên kết với các tổ chức đảng phái hải ngoại để có phương tiện hoạt động và có tài trợ, thế là từ đó phải chịu ảnh hưởng về đường lối và sách lược đấu tranh. Không phải là tất cả nhưng chuyện này xưa nay không thiếu
Bị chuyển hóa từ tư duy thúc đẩy dân chủ pháp trị chuyển dần sang tư duy hoạt động lật đổ chính quyền,làm quần chúng e ngại và chính quyền ra tay đàn áp nặng nề, từ đó không phát triển được rồi tàn lụi.
Như vậy để dung hòa giữa các lối đi, theo tôi một tổ chức chính trị để thúc đẩy dân chủ pháp trị có thể tồn tại trong sự quan sát kỹ của chính quyền mà chưa ra tay đàn áp mạnh ( tuy có thể răn đe và đàn áp nhẹ) và quần chúng có thể tiếp cận, ủng hộ và giữ được tính chính danh, theo tôi cần có sơ bộ các tiêu chí sau ;
- Thực sự kêu gọi và cổ động dân chủ pháp trị, chấp nhận đa nguyên, không núp bóng dân chủ để lật đổ chính quyền,kể cả trong tư duy thành viên và văn hóa tổ chức.
- Mang tính đối lập văn minh, tôn trọng đa nguyên và giữ gìn các giá trị nền tảng của dân chủ, hành xử nội bộ và đối ngoại theo tinh thần thượng tôn pháp trị
- Đối lập dựa trên tinh thần lấy lợi ích đất nước và đoàn kết dân tộc là nền tảng cơ bản, lâu dài. Coi trọng lợi ích của quần chúng hơn lợi ích cá nhân của các thành viên trong tổ chức và lợi ích chung của tổ chức. Đối lập mang tính xây dựng chứ không mang tính triệt tiêu.
- Hành động và phát ngôn đối lập phải mang tính hợp pháp, căn cứ vào các quyền nhân quyền, chính trị và dân sự theo thứ tự : Các quy định của Liên Hiệp Quốc mà VN đã tham gia, các quyền trong các công ước quốc tế mà VN ký kết, các quyền quy định trong hiến pháp và luật ( gọi là đối lập trong hợp pháp và hợp lý)
- Xây dựng các quy chế, điều lệ nội bộ theo các quy luật chung của con người, tự nhiên...để phù hợp tâm lý quần chúng. Chúng ta cần nhớ là có thể chống lại pháp luật, nhưng không ai có thể chống lại quy luật, kể cả hùng mạnh như nước Mỹ.
- Xây dựng ra các hoạt động dân sinh-dân sự để quần chúng có thể tham gia cùng để thực tập thói quen ứng xử chính trị và để tránh nhàm chán, cũng như mang lại lợi ích thiết thực cho quần chúng, để qua đó quần chúng hiểu về các lợi ích,quyền và nghĩa vụ của họ trong vấn đề cùng tổ chức cổ động cho dân chủ pháp trị
Và điều sau cùng là nếu một quần chúng nào đó tâm huyết với con đường chuyển hóa quốc gia-dân tộc từ hiện trạng tiêu cực sang tương lai tích cực, thì cần chính mình chuyển hóa mình trước khi chờ có sẵn mái nhà tốt cho mình tìm đến và cư trú
Không có bữa ăn nào là miễn phí và chỉ có cha mẹ là có thể chăm sóc và mang lại lợi ích vô tư cho chúng ta mà thôi.
Đa phần trong cuộc sống thì cái gì cũng cần trả giá, quan trọng là tương xứng qua lại hay không mà thôi

Nguyễn An Dân 13/12/2016
Chia sẻ bài viết này :


Đăng nhận xét

 
Copyright © 2014. Nhà Báo Nguyễn An Dân - All Rights Reserved
Proudly powered by Blogger