CON CHỐT VIỆT NAM TRUNG LẬP THEO KIỂU NÀO ?

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016 | comments

1/ Trung Quốc luôn đẩy Việt Nam ra làm con chốt thí
Chúng ta có thể thấy rõ là xưa nay Trung Quốc luôn là nước chủ động gây chiến hoặc lợi dụng ảnh hưởng để đưa Việt Nam vào các cuộc chiến nhằm phục vụ ý đồ chính trị có lợi cho họ.

Những cuộc chiến như chiến tranh Nam-Bắc 1954, Trận Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988, giựt dây Polpot gây chiến ở Tây Nam, tấn công xâm lược Việt Nam ở biên giới phía Bắc 1979..đều là do Trung Quốc dẫn dắt, chỉ đạo hoặc xúi giục lôi Việt Nam sa vào rắc rối.
Mỹ trong sách lược giữ vị trí bá chủ thế giới và kềm chế Trung Quốc dĩ nhiên cũng cần Việt Nam án ngữ hướng bành trướng duy nhất của Trung Quốc là về phía Nam. Tuy nhiên Mỹ có tập quán bỏ đồng minh giai đoạn chứ không có tập quán lôi kéo đồng minh vào các vũng nước đục. Khác với Trung Quốc, Mỹ chỉ cần đồng minh theo họ để duy trì ảnh hưởng chứ không phải bành trướng và thôn tính.
Như vậy trong bàn cờ Trung-Mỹ, lựa chọn khôn ngoan của Việt Nam là tự làm mình mạnh lên, không theo Mỹ hoàn toàn để tránh Mỹ đem ra đánh đổi và đủ sức mạnh quân sự để làm Trung Quốc chùn tay, và vũ khí tối hậu hiện nay là vũ trang hạt nhân.
Trung lập vì đủ mạnh để có thể đồng quy vu tận với kẻ địch làm họ chùn tay và phải lựa chọn con cờ khác mang ra thí khác với trung lập trong tư thế yếu nhược và đu dây liên tục theo các yêu sách của các bên nhằm đổi lấy bình an giả tạo.
Trung lập như Việt Nam đang có hiện nay là bình an giả tạo, là nín nhịn chịu thiệt chứ không phải trung lập trong tư thế hiên ngang như các đời Trần -Lý ngày xưa từng có.
2/ Dân chủ pháp trị và vũ khí hạt nhân
Việt Nam tự mình vũ trang quân sự như đường lối lâu nay đang thực thi là đúng nhưng chưa đủ trước sức mạnh của thiên triều Trung Quốc. Vũ khí hạt nhân như Triều Tiên đang theo đuổi là cái có thể giúp Việt Nam đứng vững vào lúc tối hậu và ngồi vào bàn đàm phán theo tư thế không bị lép vế. Muốn đạt được cái này cần có sự gật đầu của Mỹ và các đồng minh quân sự của Mỹ.
Thực ra Mỹ cũng có thiện chí giúp Việt Nam có công nghệ hạt nhân dân sự để tiến tới vũ trang hạt nhân. Hiệp định 123 được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ký kết hồi tháng 10/2013 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei và được Tổng thống Obama phê chuẩn hồi tháng 2/2014. là một bằng chứng về thiện chí này.
Tuy nhiên giao vũ khí hạt nhân cho một quốc gia độc tài là điều mà Mỹ không muốn vì nó có thể dùng để chống lại chính Mỹ và đồng minh của Mỹ. Cái Mỹ cần ở Việt Nam là một thể chế dân chủ pháp trị để Việt Nam có thể tự chủ và dùng sức mạnh hạt nhân đúng đắn vào việc tự vệ trước âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Do đó để tiến tới trang bị hạt nhân, Việt Nam cần bắt đầu xây dựng thể chế dân chủ như Mỹ và các đồng minh hạt nhân của Mỹ đang có.
Dân chủ pháp trị nó cũng là cái mà quốc gia đang đòi hỏi để giải phóng phát triển kinh tế. Bài toán kinh phí để phát triển vũ khí hạt nhân mà không làm quốc gia kiệt quệ (như Triều Tiên đang bị) không khó, cái khó là đảng không chịu cải cách. Cái gốc vấn đề là ở thể chế già nua, cũ kỹ, lạc hậu làm quốc lực suy yếu, đuối sức trong chạy đua vũ trang thành ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sách lược trung lập và tự cường đang theo đuổi.
3/ Vận dụng kiều vận để giữ nước từ xa
Biến cố ly hương 1975 của dân tộc Việt là trong họa có phúc. Hiện nay người Việt có mặt khắp nơi trên thế giới và dần ảnh hưởng, thẩm thấu vào hệ thống quyền lực của Mỹ và nhiều nước tư bản khác, đây là nguồn lực không thể bỏ qua và phải được sử dụng đúng đắn chứ không chỉ là lôi kéo tiền của Việt Kiều về đầu tư.
Một khi Việt Kiều tin cậy vào thể chế mang tinh thần dân chủ pháp trị, với lòng yêu nước, họ sẽ tham vấn, thúc đẩy chính quyền nước họ vào việc ban hành các chính sách mang lại lợi ích song phương cho hai bên.
Biến vị trí đồng minh giai đoạn của Việt Nam thành đồng minh dân tộc, ngăn ngừa những chính sách mang Việt Nam ra làm chốt thí...là điều mà Việt Kiều yêu nước sẵn sàng làm, miễn là họ có niềm tin là những điều họ làm là phục vụ cho lợi ích dân tộc và quốc gia, không phải để duy trì quyền lực cho một đảng phái độc tài nào đó.
Dân chủ pháp trị sẽ mang lại những lợi ích như vậy, chứ không chỉ đơn thuần là những lời kêu gọi chuyển hóa chung chung.
Nguyễn An Dân 20/12/2016
Chia sẻ bài viết này :


Đăng nhận xét

 
Copyright © 2014. Nhà Báo Nguyễn An Dân - All Rights Reserved
Proudly powered by Blogger