ĐÊM KHÓ NGỦ

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017 | comments


Ta thả hồn ta giữa đất trời
Về đong thương nhớ mộng đầy vơi
Một cõi phong trần chơ vơ đứng
Mây phủ qua tay trắng nửa đời
Thời thế nặng vai nửa kiếp này
Thuyền nan một mảnh chở gì đây
Mỏi tay rũ áo ai lau lệ
Thiên địa càn khôn khéo sắp bày ?
Người đã không còn ta đợi chi
Ai đem rao bán khúc biệt ly
Lạnh lòng nâng chén tràn vị đắng
Mềm môi mắt nhắm mặc em đi
"Đâp cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi"
Tạ từ hương cũ triền miên mộng
Đời quá nửa rồi ta tiếc không ?
Đường đi rộng nhưng lòng người quá chật
Dẫu có thế nào mình vẫn phải đi qua...
NAD

PHÂN TÍCH CLIP TƯỚNG TRƯƠNG GIANG LONG (PHẦN CUỐI)

| comments

Phần kết này sẽ tổng hợp lại các vấn đề tranh đấu tự do-dân chủ và tình hình Mỹ-Trung-Việt được nhắc đến trong clip.

1/ Mỹ-Trung Quốc và đảng CSVN
Mỹ vẫn đeo đuổi chính sách thúc đẩy một bộ phận trong đảng CSVN chuyển hóa và lên cầm quyền và Trung Quốc chống lại sách lược này. Khác với chính sách cũ là ủng hộ mềm, Mỹ sẽ chuyển sang ủng hộ nhưng cứng rắn bằng cách ép đảng CSVN phải thực thi đúng, đầy đủ những gì song phương đã ký kết. Kém theo đó là những chế tài về kinh tế-thương mại-viện trợ-quân sự khi cần thiết để phe chuyển hóa trong đảng CSVN có ưu thế hơn trong đàm phán với phe bảo thủ khi cần.
Về phía TQ dĩ nhiên sẽ tác động và thông qua phái thân TQ trong nội bộ đảng CSVN để kềm chế không cho phe chuyển hóa đủ mạnh để nắm quyền tối cao trong đảng. Đảng CSTQ dĩ nhiên biết chuyển hóa không làm Việt Nam có tự do-dân chủ ngay lập tức nhưng tạo tiền đề cho điều đó, và làm VN "xa dần TQ" hơn.
Trong tình hình mới về các trục đồng minh lớn và nhỏ do Mỹ thúc đẩy đã hình thành lại từ cuối 2015 đến nay, thì việc TQ khó có thể cứng rắn hơn về quân sự với VN là điều có thể thấy rõ. Bất kỳ động thái động binh nào của TQ trước lúc này trong biển Đông có thể làm cán cân quyền lực lệch hẳn về phe chuyển hóa.
Phe chuyển hóa trong đảng CSVN cũng muốn nắm quyền lực để phù hợp với nhu cầu của đất nước, mong muốn của tư bản và tham vọng quyền lực cá nhân của họ và đó là con đường tất yếu của đất nước và đảng CSVN phải đi qua nếu đảng CSVN muốn giữ đảng, giữ nước và hạ nhiệt lại một phần sự bức xúc của quần chúng.
Tuy nhiên vì họ cũng là đảng nên dĩ nhiên không nên trông mong họ làm đảng chết. VN không phải là Liên Xô và áp lực của dân chủ trong đảng và trong nhân dân hiện nay chưa đủ để làm đảng phải lựa chọn việc giải tán. Dù ai ghét đảng CSVN cỡ nào thì cũng cần thừa nhận cái mình mong muốn, cái đa số quần chúng muốn và cái mình có thể làm là những cái luôn có sự khác nhau.
Việc phe chuyển hóa thắng cuộc và lên cầm quyền, thực thi đổi mới 2 như tờ CAND đưa tin cũng là tốt một phần cho đất nước, tránh cảnh nội loạn và lệ thuộc sâu vào TQ là điều cần được khích lệ. Trong bối cảnh những hội nhóm tranh đấu chính trị đối lập đang như mớ bòng bong hiện nay, khó có thể có hi vọng gì cạnh tranh quyền lực được với đảng CSVN trong hiện tại và 5 năm phía trước, sau đó tính sau.
2/ Phe tự do-dân chủ
Trách nhiệm của phe dân chủ là cần thống nhất, đoàn kết lại trong tư duy và định hướng trước những vấn đề lớn của đất nước để có sự kết nối và phối hợp chung khi cần. Không thể có sự đoàn kết nào về mặt tổ chức lúc này do chính đảng CSVN sẽ đàn áp cũng như do chính nội tại những người dân chủ khó thể làm được.
Do đó thay vì kêu gọi đoàn kết về tổ chức, những người tâm huyết, có tâm và tầm cần đoàn kết trong tư duy, trong hành động, trong phát ngôn..để quần chúng đi theo. Tất cả phải lấy lợi ích đất nước và dân tộc làm nền tảng và định hướng, tạm thời bỏ qua lợi ích phe nhóm riêng của mình thì mới hi vọng phong trào phát triển và được quần chúng tin cậy gia nhập.
Mặt trận tranh đấu phải chính thức nằm trong nước về định hướng, đường lối và tư tưởng. Quỹ hoạt động chính trị cũng phải gây dựng dần dần từ trong nước dựa trên uy tín và đường lối đưa ra của phong trào. Hải ngoại vẫn tiếp viện như trước đây đã làm, đóng góp giúp đỡ truyền thông, quốc tế vận nhưng cần tránh đi vấn đề yêu sách, vấn đề "Mỹ hóa" người đấu tranh, vấn đề đich-ta trong quan điểm, vấn đề đòi hỏi chỉ có lật đổ và "tiêu diệt" đảng CSVN.
Con đường đi đến dân chủ là tự do chứ không phải mưu cầu quyền lực chính trị trong tranh đấu. Tranh đấu để đòi tự do cho quần chúng và vì lợi ích thiết thực của quần chúng thì sau đó dân chủ sẽ tự nó đến và quyền lực sẽ tự đến tiếp theo.
Một khi người tranh đấu có đủ tự do để nắm giữ và thực thi quyền lực phát ngôn, quyền lực thông tin..của chính mình một cách đúng đắn, hợp lý dựa trên lợi ích chung thì phong trào mới hi vọng có thể đủ mạnh, đủ tính chính nghĩa để đòi hỏi đảng CSVN chia sẻ 3 quyền lực kia và để thúc ép đảng chuyển hóa nhanh hơn.
Sau cùng, phe dân chủ cần thấy rằng công an-quân đội là 2 trục xương sống của đất nước, dù đấu tranh theo đường lối nào thì khi đất nước chuyển hóa thì vẫn cần 2 lực lượng đó để bảo vệ an ninh chính trị quốc gia.
Bản thân người dân chủ không thể có nghiệp vụ người lính để đi làm thay họ điều đó, do đó việc tranh thủ tối đa gây cảm tình, tránh xung đột không cần thiết là điều cần hết sức chú ý. Chuyển hóa là chuyển hóa tư duy của họ, chứ không phải khi chuyển hóa là tước bỏ vai trò cần thiết của họ trong bối cảnh đất nước cần ổn định để phát triển tiếp tục.
Một khi đã thấy, đã hiểu và đã tư duy là tranh đấu dựa trên thượng tôn lợi ích, quốc gia dân tộc thì ai là an ninh, ai cài cắm, ai chia rẽ..sẽ không còn đặt nặng nữa. 3 năm nay tôi đã không còn thấy có an ninh trong dân chủ, nhưng tôi thấy có dân chủ trong an ninh và trong đảng CSVN.
3/ Phe chuyển hóa-phe dân chủ trong lợi ích quốc gia
Phe chuyển hóa dù chưa nắm hẳn quyền lực tối cao nhưng cần ban hành những chính sách ích nước lợi dân trong phạm vi mình có thể làm được dần dần để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng khi cần. Muốn quần chúng và phe dân chủ chuyển hóa cái nhìn về mình, phe chuyển hóa cần đặt lợi ích đất nước-nhân dân khi ban hành quyết định, ra chính sách..Phải thể hiện cho được tinh thần thượng tôn hiến pháp-pháp luật lên trên nghị quyết đảng.
Tất cả cần có cái nhìn là Mỹ, Nhật, hay TQ không quan trọng ở VN là thể chế nào hay đảng phái nào lãnh đạo, mà chỉ cần nghe lời họ khi họ cần là họ thấy đủ. Do đó tự do của người VN phải do chính người VN quyết định, thể chế nào là do chính lòng dân quyết định chứ không phải là do mong muốn của một nhóm người nào, dù là đảng CSVN hay các đảng khác trong và ngoài nước.
Nếu để lật đổ đảng CSVN vì nghĩ rằng "cả đảng bán nước cho TQ" rồi để đưa lên một đảng khác cũng yếu kém về tầm nhìn, lỏng lẻo trong tổ chức và dễ bị các đại cường giật dây thì cũng chỉ là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa mà thôi. Bài học Israel cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hiểu về con đường độc lập cho VN trong tư thế nằm cạnh một láng giềng độc tài nhiều tham vọng.
Một khi phe chuyển hóa đủ mạnh để nắm quyền lực tối cao, tốt nhất là tách đảng làm hai, phe thân tư bản về một đảng và phe thân TQ về một đảng, chỉnh sửa lại hiến pháp. Hai đảng cứ tiếp tục chia nhau ghế và quyền lực nếu thích về hành pháp và tư pháp, nhưng lập pháp (quốc hội) thì chia bớt 30% số ghế cho nhân dân để chính trị quốc gia có bước khởi đầu thay đổi trong ổn định, hòa bình và giữ được đà phát triển. Các việc khác lại dần dần tính sau.
Đó là con đường tôi nghĩ rằng có thể khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay và dĩ nhiên cần sự góp ý của các bạn.
NAD

PHÂN TÍCH CLIP CỦA TƯỚNG TRƯƠNG GIANG LONG (PHẦN 6)

| comments

Phần này nói về Mỹ-Việt, chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng (NPT). riêng phần quan hệ Nhật-Việt thì đã có bài viết của tác giả Hồ Đông Thụy đã làm rõ nên không cần thiết nhắc lại, các bạn quan tâm có thể tìm đọc phía dưới. Bài hơi dài hơn thông lệ, các bạn cần đọc kỹ, hiểu sâu để hiểu ý mình.

Ý 2 :MỸ-VIỆT VÀ CHUYẾN THĂM CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG.
Quan hệ Mỹ-Việt là một quan hệ phức tạp, một bộ phận dân tộc khoái Mỹ và hướng về Mỹ, một bộ phận dân tộc khác nghi ngờ Mỹ vì đã bỏ rơi VNCH, một bộ phận khác ghét Mỹ vì những gì đã xảy ra trong chiến tranh VN, nhất là miền Bắc VN. Còn đảng CSVN thì luôn sợ Mỹ giật sập đảng. Bối cảnh chung là như thế.
Nhưng nói gì thì nói, trước âm mưu thôn tính của TQ mà chính đảng đã phải thừa nhận thì đất nước và dân tộc và cả đảng CSVN cũng cần "chơi với Mỹ". Câu nói "Việt Nam rất cần Mỹ" của tướng Long là một sự xác nhận cho các ý trên. VN và đảng CSVN đang có Nhật, nhưng chỉ trục Nhật-Úc-Ấn-Việt là chưa đủ, sau nó phải có trục Mỹ-Anh-Pháp.
Ngược lại, Mỹ cũng cần VN vì các giá trị của dân tộc và đất nước VN như tôi từng đồng ý với Hồ Đông Thụy trong bài "Giá trị VN..."đã đăng. Do đó tôi mới luôn cho rằng, và có nhiều bằng chứng cho thấy tôi đánh giá có cơ sở, là có phe "thân Mỹ" trong đảng CSVN.
Chính sách của Mỹ trong 30 năm với đảng CSVN, từ 1986 đến 2016 là chính sách vừa chuyển hóa vừa lật đổ. Một mặt Mỹ dẫn dắt tư bản thực hiện chiến lược lớn "dùng kinh tế để chuyển hóa chính trị" để nâng cao tư duy và ý thức đòi tự do-dân chủ cho nhân dân Việt Nam, vừa chủ động ủng hộ, kết nối với phong trào đấu tranh chính trị đối lập của người Việt trong và ngoài nước để lật đổ đảng CSVN, Đây chính là điều làm cho đảng CSVN "sợ và ghét Mỹ".
Trước đây đảng CSVN khi còn không chơi với tư bản thì dùng Liên Xô để cân bằng ảnh hưởng với TQ nhưng thất bại. Sau khi đảng CSLX mất quyền lực, buộc đảng CSVN phải quay qua phía Mỹ. Chính điều này là cội nguồn của sự chuyển hóa trong đảng CSVN.
Trong tình thế VN chuyển hóa quá chậm nhưng lại bị TQ uy hiếp quá nhanh thì phong trào dân chủ của VN tuy có phát triển nhưng sau 30 năm đã không đủ tầm như Mỹ mong muốn, cũng như sự trỗi dậy quá nhanh của TQ làm Mỹ phải thay đổi chính sách dân chủ hóa VN hiện nay.
Mỹ hiểu rằng nếu để "mất hẳn" VN vào tay TQ thì Mỹ mất 1 lá bài quan trọng đủ tầm để dẫn dắt khối Asean (cũng do Mỹ hậu thuẫn ra đời khi xưa) chống Trung, nghĩa là mất hẳn khu vực Đông Nam Á, chưa kể hiệu ứng Domino phía sau.
Nếu chúng ta biết rằng khoảng 2 năm nay, Mỹ rất dè dặt khi tiếp nhận hồ sơ nhân quyền-tù chính trị có dính dáng đến một đảng phái người Việt ở Mỹ vì sự đấu tranh "sai hướng" của đảng phái đó thì chúng ta sẽ thấy rằng Mỹ đã chán nản phong trào dân chủ VN ở mức độ nào và buộc Mỹ phải thay đổi đối sách chuyển hóa VN và đảng CSVN.
Đó là đầu tư và ủng hộ lớp trẻ trong nhân dân và đảng. Để thúc đẩy dân chủ ở VN đi đúng về hướng nhân bản, xóa bỏ hận thù, dựa trên lòng yêu nước sâu sắc và cái nhìn mới về Mỹ. Các yếu tố này mới đủ sức tạo ra 1 phong trào dân chủ mới, "một đảng CSVN mới" đủ sức thúc đẩy dần dần VN đến một thể chế dân chủ pháp trị và "trung lập trong mạnh mẽ" với TQ thật sự.
Sự ảnh hưởng của Mỹ đã dẫn đến kết quả là đảng đã chia làm 2 phe lớn đấu nhau rõ rệt với nhiều bằng chứng mà nhân dân đã thấy trong cao trào 10 năm nay mà đỉnh điểm của nó là ĐH 12 vừa qua mà ai cũng biết.
Tuy nhiên Mỹ phải vì Mỹ và đó là cái đểu của Mỹ trong bang giao quốc tế mà VN (và nhiều nước khác) đã nếm quả đắng. Ngay cả Nhật là một đàn em lâu đời với Mỹ, nhưng vẫn luôn lo Mỹ sẽ bán đứng mình khi cần. Thế nên mỗi khi Mỹ-Trung có cuộc tiếp xúc thượng đỉnh là sau đó Nhật đều gào lên đòi Mỹ phải bạch hóa các nội dung thỏa thuận và ký kết mà có liên quan đến Nhật và bàn cờ châu Á.
Phong trào dân chủ VN lâu nay nhiều lúc tỏ ra "Mỹ hóa" quá mức chính là sai lầm và không đủ sức để thuyết phục quần chúng, và cả bộ phận cải cách trong đảng chính là vấn đề này.
Cái cần thay đổi là không phải lúc nào cũng trông mong ở Mỹ, mà phải làm sao để vừa hợp tác với các chính sách dân chủ-nhân quyền của Mỹ trên cơ sở lợi ích chung (chứ không phải để đánh bóng hình ảnh cá nhân/phe nhóm của mình), vừa đủ kềm chế để được quần chúng có tầm và đảng viên cải cách ủng hộ là bước đi hợp lý để mạnh lên. Muốn làm cái này thì chỉ có thể dựa trên lòng yêu nước, vì lợi ích dân tộc bền bỉ, sâu sắc và dùng nó làm tư duy căn bản nhất.
Cuộc đón tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng chính là thể hiện chính sách nước đôi và bỏ rơi đồng minh khi cần của Mỹ. Trong bối cảnh Mỹ dù ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng (NTD) nhưng không chắc ăn là ông NTD sẽ thắng cuộc và cũng chưa sẵn sàng để "vì Mỹ và vì VN mà va chạm vũ trang với TQ", nên mở ra cánh cổng đón tiếp ông NPT. Ngược lại ông NPT cũng cần cho đảng thấy không chỉ có thủ tướng là "biết chơi" với Mỹ mà tổng bí thư cũng có thể làm khi cần. Đó chính là bối cảnh sâu xa nhất của chuyến thăm.
Trước khi đi Mỹ thì ông NPT đi Nhật và Hàn Quốc, là hai nước thân cận với Mỹ ở châu Á, cũng chính là "nhờ cậy" các nước này vận động thêm cho chuyến thăm.
Thực ra tướng Long nói ..hơi nổ. Ông NPT được Mỹ đón theo nghi lễ như Mỹ đón ông Trương Tấn Sang năm 2013 và ông Nguyễn Tấn Dũng năm 2008 chứ chả có gì khác. Tướng Long cũng quên là trước khi TBT của đảng CSVN thăm Mỹ thì đã có TBT của đảng CSLX thăm Mỹ (Gorbachov năm 1987)
Nếu ông NTD có thể giúp Mỹ "hiện diện" ở một mức độ nào đó ở VN và trong đảng CSVN thì ông NPT cũng phải có những "quà tặng" tương đương cho Mỹ, có thể ít hơn một chút. Chính vì vậy mà trong tuyên bố chung Mỹ-Việt sau đó, chúng ta thấy ông Nguyễn Phú Trọng đã đồng ý thay đổi, nhượng bộ nhiều cái về hợp tác chính trị Mỹ-Việt, về nhân quyền, cải cách tư pháp...
Sự thất bại của thủ tướng NTD ở ĐH 12 nó đến một phần từ lối bắt cá hai tay và chưa sẵn sàng ở phút 89 của Mỹ, sự uy hiếp an ninh quốc gia VN của TQ (2 lần đưa giàn khoan vào VN năm 2014 và 2015) và chính bản thân ông NTD ý thức được khả năng của mình, không vì cái ghế TBT mà đẩy VN vào nguy hiểm (va chạm vũ trang với TQ) quá sớm, trong khi Mỹ chưa tỏ ra đã sẵn sàng "đứng sau VN" và sau lưng ông.
Đó cũng là lý do khi Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Kerry qua VN trước khi hết nhiệm kỳ (đầu tháng 1/2017) đã muốn gặp ông NTD nhưng ông NTD từ chối.
Cuộc cờ chuyển hóa VN ông đã làm xong vai trò của mình và trái bóng đang nằm trong chân Mỹ, Mỹ không đá thì thôi chứ ông gặp để làm gì nữa để ông thêm "phiền phức" với đảng ? Chính vì vậy mà tướng Long mới nói hàm ý " thưa các đồng chí, Mỹ nó sẵn sàng rồi, nó biết hết rồi, nó có chiến lược hết rồi.."
Nhưng sau khi thắng cuộc ở ĐH 12, có vẻ tổng bí thư đã quên những gì thỏa thuận trong tuyên bố chung Việt-Mỹ mà ông chủ trì khi đó. Bộ luật hình sự mới 2015 mà phía Mỹ đánh giá cao trong cải cách tư pháp đã không ban hành (vì lý do..nghe không thuyết phục), tòa án hiến pháp cũng không có (dù đích thân phó chánh án tối cao Mỹ qua VN trực tiếp cố vấn), lại còn "dấn sâu" hơn vào TQ như các bài trước đã phân tích.
Chính sự thất vọng về phong trào dân chủ VN, về đảng CSVN sau đại hội 12 đã đưa đến việc Trump và Mỹ phải thay đổi lối chơi Mỹ-Việt, bỏ lơ VN và đảng CSVN không nhắc đến. Thay vì chờ phong trào dân chủ VN và đảng CSVN chuyển hóa chậm chạp (như thời Obama) thì tính bài đẩy VN ra "thí tốt" trong cuộc cờ Biển Đông. Tạo ra một cuộc va chạm cục bộ giữa hải quân VN và hải quân TQ là không quá khó khi tình báo Mỹ muốn.
Cả VN và TQ đều biết điều này và lo ngại điều này, nên một mặt thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải nói "sẵn sàng đi Mỹ" , vừa phái chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam sang gặp tư lệnh hải quân TQ Thẩm Kim Long chính là để phòng ngừa nguy cơ này.
Mỹ chán đảng CSVN, chán phong trào dân chủ VN. Trump cũng thế, là người của hành động và quyết đoán, Trump không khoái chính sách đu dây và thường không giữ lời hứa của đảng CSVN, Trump chán cả phong trào dân chủ VN (một nửa phong trào dân chủ chửi Trump khùng điên ngu dốt vừa qua). Đó là bối cảnh của VN mà tôi đã nói ngay sau khi Trump thắng cử.
Chìa khóa để giải bàn cờ là bộ phận chuyển hóa (đổi mới 2) trong đảng mà ông NTD để lại phải giữ đươc ngọn cờ, về phía quần chúng tiến bộ và phe dân chủ cũng phải thay đổi tư duy và tư thế đấu tranh của mình thì mới có hi vọng đưa đất nước ra khỏi thế kẹt và nguy cơ thí tốt và lệ thuộc TQ hiện nay.
Kỳ sau : Kết luận
NAD

PHÂN TÍCH VỀ CLIP CỦA TƯỚNG TRƯƠNG GIANG LONG (PHẦN 5)

| comments

Trong phần tiếp theo thì ông Trương Giang Long phê phán Mỹ, khen Nhật, phê phán dân chủ và khen ngợi đảng và nói về bối cảnh chuyến thăm Mỹ của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Xin tách ra như thế và chia làm các ý, sau đó sẽ có 1 bài kết luận toàn bộ

Ý 1 : PHÊ PHÁN DÂN CHỦ
Ông Tô Lâm lên thứ trưởng an ninh vào ngày 12/08/2010, như vậy câu nói mà tướng Long nhắc lại là ông Tô Lâm nói với đại sứ Mỹ Ted Osius vào năm 2014 " "ngài sang làm đại sứ lần này thì đừng đi theo vết xe đổ mà những người tiền nhiệm của ngài đã từng đi!".
Tôi tin là câu nói này có thật, vì nó nằm trong bối cảnh phía sau gắn vào trả lời của đại sứ Mỹ. Dĩ nhiên clip này được tung lên có tính toán, do đó nếu tướng Long bịa chuyện, nó sẽ gây ra scandal về ngoại giao.
Muốn xét câu nói này phải đặt bối cảnh dân chủ trong lâu dài nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xét nó trong bối cảnh 10 năm nay để bài viết không quá dài.
Trong một bài diễn văn của mình (khoảng năm 2006), tổng thống Bush đã nói "Mỹ sẽ ủng hộ những ai tự đứng lên trên đôi chân của mình" và được giới vận động chính trị cho Việt Nam khen ngợi và trông đợi. Cũng trong năm 2007, Bush gặp 4 người được coi là đại diện tiêu biểu cho phong trào tranh đấu ủng hộ dân chủ cho VN ở Mỹ.
Khi biết có cuộc gặp đó, tôi rất từng trông đợi và hi vọng về một phong trào yểm trợ dân chủ ở Mỹ nói riêng và cộng đồng người Việt thế giới nói chung đoàn kết, hiểu rõ sách lược chuyển hóa đảng CSVN của Mỹ, gắn kết nó vào phong trào dân chủ VN để việc tranh đấu đạt hiểu quả hơn, phát triển nhanh hơn và thiết thực hơn, nhưng thật sự 10 năm nay tôi thất vọng.
Người Việt hải ngoại, trong bối cảnh không có an ninh đảng dòm ngó và đàn áp, không lo bắt bớ tù đày, nhưng đã không thể đoàn kết được. Hải ngoại không đoàn kết được lấy gì trong nước đoàn kết được ?
Có khoảng 60% người đối lập chính trị trong nước có sự gắn bó từ ít đến nhiều với hải ngoại và các lùm xùm bê bối trong giới đối lập chính trị-dân chủ cũng đa phần từ những cá nhân-hội nhóm trong nước có dính dáng nhiều đến hải ngoại mà sinh ra, làm tai tiếng và mất uy tín cho phong trào chung trong mắt nhân dân. Việc hỗn loạn này cũng có trách nhiệm lớn của người việt hải ngoại. Đây là sai lầm thứ nhất
Tiếp theo, trong khi chính phủ các nước đều đa phần công nhận đảng CSVN là một đảng cầm quyền và có bang giao chính sách. Nhưng thay vì cần tìm hiểu chính sách của chính phủ các nước đó để tác động, dự báo ,đóng góp... cho tiến trình dân chủ VN đi đúng hướng, vừa chuyển hóa đảng CSVN vừa góp phần nuôi dưỡng phong trào mạnh lên thì lại ít quan tâm để làm. Đây là sai lầm thứ 2.
Đa phần chỉ nhắm vào việc làm sao chi phối cá nhân này hội đoàn kia trong nước để lái họ theo đường lối của phe phái mình là chính, trong khi đường lối đó có phù hợp không, có thực tế không, có lợi ích thật sự cho nhân dân và đất nước không thì chưa chắc. Không phải là tất cả, nhưng có bao nhiêu người được hải ngoại "bơm thổi" lên quá lố gây tai tiếng cho phong trào ?
Người Việt hải ngoại mà có liên quan đến tranh đấu trong nước đa phần là có liên quan đến VNCH, nhưng thay vì ủng hộ tranh đấu để phục hồi những giá trị dân chủ của VNCH đã có để tiến đến một Việt Nam Mới dựa trên những gì đã và đang có, thì lại hướng về tranh đấu để khôi phục VNCH. Đó là sai lầm thứ 3.
Những người tranh đấu dân chủ trong nước nếu không có hoặc ít dính dáng đến các phe phái ở hải ngoại thì hầu như Mỹ không biết đến vì các phe phái đó không giới thiệu với chính phủ Mỹ, như vậy các hội đoàn đảng phái ra đời ở hải ngoại là để "nuôi gà của mình" là chính, chứ chưa hẳn là vì lợi ích của đất nước. Đó là sai lầm thứ 4.
Năm 2006, khi Giáo sư Nguyễn Đình Huy, một thành viên của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến ra tù sau 20 năm bị giam giữ, tôi có đến thăm ông để hỏi về sách lược đấu tranh, thì ông nói "Cộng sản bây giờ và về sau không còn là cộng sản ngày xưa nữa" Nhưng tiếc là người Việt hải ngoại không chịu nhìn như thế. Đây là sai lầm thứ 5.
Và đó cũng là cái hậu quả mà 10 năm nay phong trào dân chủ VN phải nhận lấy, bên cạnh những phát triển về lượng do sự nới rộng dân chủ hơn của đảng CSVN, do sự bức xúc của quần chúng tự đứng ra tranh đấu, thì sự hụt đi về chất là điều thấy rõ.
Một thế hệ tranh đấu trước tôi, vì dân vì nước thật sự, có tâm, có tầm..thậm chí được đảng CSVN tôn trọng, đã ra đi, hoặc đã già và dừng tranh đấu. Một thế hệ ngang ngang với tôi thì đi tị nạn chính trị ở Mỹ gần hết, còn những người như tôi ở lại thì cô đơn, tự phấn đấu và tìm lối đi cho mình và dìu dắt các bạn trẻ hơn.
Tôi có quen những người tranh đấu ở hải ngoại thuộc thế hệ 60-70 tuổi. Tôi kính trọng họ vì cái tâm, tầm và quá trình tranh đấu âm thầm bền bỉ. Họ dạy cho tôi cái nhìn về thế giới, họ nghiên cứu chính sách Mỹ-Việt để dạy cho tôi về chuyển hóa, họ tập cho tôi hiểu tự do là con đường và dân chủ là lề lối, có mấy người như họ ? và họ dạy được cho bao nhiêu người như tôi ?
Số lượng họ rất ít và ngày càng già, dần dần chết đi, ai sẽ thay họ làm những điều đó cho phong trào dân chủ Việt 10-20 năm nữa ? Một khoảng trống khổng lồ về chuyển giao thế hệ, có bao nhiêu người biết tôi từng nghĩ và thở dài lo lắng ?
Những thế hệ trẻ lớn lên, vì bất mãn chính quyền mà đứng ra tranh đấu thì có mấy ai ở các hội đoàn đảng phái hải ngoại chịu khó dạy dỗ họ nghiêm túc, trau dồi về đạo đức chính trị và lối sống, cho họ tầm nhìn và củng cố cái tâm yêu nước sâu sắc tận đáy lòng, hay chỉ dạy họ làm truyền thông, viết lách, tố cáo lên án CSVN... càng nhiều càng tốt, chạy theo và tạo ra các sự kiện để đánh bóng tên tuổi cho đảng phái của mình ? đó là sai lầm thứ 6.
Mỹ có đảm bảo tất cả những người mà đại sứ Mỹ gặp gặp gỡ là thật sự tranh đấu vì nhân dân, vì đất nước VN hay không ? Hay Mỹ cũng chỉ lắng nghe vì sự bơm thổi của phe này phái nọ ở hải ngoại. Đừng coi thường phát biểu của ông Tô Lâm khi ông nói với Ted Osius "ngài sang làm đại sứ lần này thì đừng đi theo vết xe đổ mà những người tiền nhiệm của ngài đã từng đi!".
Ông Tô Lâm có tư thế để nói câu đó, vì chính những bê bối của cộng đồng đấu tranh của chúng ta, và chính ông là người được đại sứ Mỹ khác khen ngợi.
Sự thật thì mất lòng, nhưng chỉ có sự thật mới giải phóng chúng ta. Tôi có thể bị "ném đá" trong phần này, nhưng tôi phải nói vì biết đã đến lúc phải nói.
Kỳ sau: tướng Long "Phê Mỹ và khen Nhật".
NAD

PHÂN TÍCH VỀ CLIP CỦA TƯỚNG TRƯƠNG GIANG LONG (PHẦN 4)

| comments

1/TGL : "Đại hội XII, Đảng ta mới bừng tỉnh, mới ghi vào trong nghị quyết của mình là: mọi chủ trương đường lối đối ngoại của chúng ta đều phải lấy lợi ích dân tộc làm trọng và đều phải xuất phát từ lợi ích dân tộc. Bây giờ các bố - đây là nói trong nhà - mới té ngửa ra như thế là chết cha chúng mình mấy đời rồi."

NAD : Cái phát biểu này của tướng Long năm 2016 thì sau đó đảng đã chứng minh điều ngược lại mà bài trước đã nói, chỉ xin nhắc thêm là đường lối đối nội của đảng cũng đã, đang chưa lấy lợi ích dân tộc làm trọng.
Không biết "các bố" ở đây mà tướng Long nói là ai, nhưng chắc là nói các lãnh đạo cấp cao trong đảng, "Các bố" giờ "mới té ngửa ra là chết cha chúng mình mấy đời rồi". "Chúng mình" trong nội bộ đảng chưa chắc đã chết, vì đủ tiền vi vu trời tây định cứ hết rồi, chỉ có đám "chúng ta" là nhân dân, không đi được phải ở lại, thì đúng là chết mấy đời thật.
2/ TGL :"chúng tôi đang tập trung nghiên cứu, báo cáo với các đồng chí là, là bảo vệ tổ quốc, là "độc lập", bây giờ hiểu thuật ngữ “độc lập” là gì, độc lập là độc lập thế nào? Cho nên là về sau này, càng lớn lên càng đọc càng nghiên cứu tôi mới thấm vô cùng cái câu nói của bác Võ Văn Kiệt, bác nói rằng là: khi nào mà Đảng ta thật sự độc lập được về đường lối thì bấy giờ đất nước có những chuyển biến tích cực."
NAD: Đường lối độc lập mà đảng đang nghiên cứu và thực thi lâu nay là sai cách, là không hiểu hoặc cố tình không hiểu ý của ông Võ Văn Kiệt. Đường lối mà 30 năm nay đảng đang làm sau khi ông Kiệt đi tư bản là đánh đu giữa TQ và Mỹ và vẫn mơ hồ coi Nga như một đối trọng thăng bằng trong khi "tình anh em quốc tế vô sản" với Liên Xô đã chấm dứt từ 1988, từ ngày ông Nguyễn Văn Linh đi "xin tiền" mà Gorbachov không cho.
Nga bây giờ đã yếu đi nhiều, chỉ còn đủ sức lo cho lợi ích của chính mình nên bắt tay với TQ khi "chống Mỹ" và bắt tay với Mỹ khi "chống TQ". Cái phao Nga không đủ sức và cũng chẳng còn lưu tâm đến VN như thời coi VN là tiền đồn XHCN ở châu Á thì hi vọng vào Nga cũng chẳng ích lợi gì, nhưng đảng lại hi vọng. Thế giới đã thay đổi, nhân dân đã thay đổi, chỉ có đảng còn mò mẫm.
Đường lối dân tộc mà ông Võ Văn Kiệt để lại nó không mới, đảng biết, nhân dân trong nước biết, việt kiều yêu nước biết, đó chính là đường lối cải cách-chuyển hóa để tự cường. Để mạnh về kinh tế mà đủ tiền trang bị quân sự, để chuyển hóa chính trị mà khai phóng và đoàn kết sức dân, ai cũng biết nhưng đảng chưa làm, hoặc làm rất chậm.
Mỹ không hi vọng VN theo Mỹ mà Mỹ chỉ cần VN "đứng giữa", giữ tư thế "trung lập có hiệu quả và mạnh mẽ". kiểu như Đài Loan và Nhật. Nga cũng không đủ sức thò tay, TQ thừa biết nhân dân không cho đảng đem VN gắn vào TQ. vậy thì đảng chỉ có dựa vào nhân dân, nhưng đảng đã không làm.
Kể cả bây giờ đảng nói nghị quyết Đại Hội 12 có ghi, nhưng làm hay không bản thân tôi cũng khó tin tưởng. Có thể có một bộ phận trong đảng là có, nhưng toàn đảng là không, chống Trung kiểu gì mà cứ ký tá, ban hành chính sách kiểu đưa đầu cho TQ nắm tóc như đã nói ở bài trước.
Dân tộc không cần VN theo Mỹ, bài học 1975 là quá dư để học. Dân tộc chỉ cần 1 thể chế tôn trọng tự do để dân chủ ra đời, sau đó dân chủ sinh ra từ tự do để bảo vệ lại cho tự do. Tự do để khai phóng sức dân, mạnh lên, để trang bị quân sự, hạt nhân hóa quốc phòng, đủ sức liều mạng với bất kỳ âm mưu thôn tính nào, không chỉ TQ.
Mỹ đã để ngỏ cho VN được tự làm giàu Uranium, là tiền đề để Mỹ ngầm cung cấp, hoặc VN tự sản xuất vũ khí hạt nhân để VN có thể, như tướng Long nói "nhấn một phát chúng nó biết mình là ai thì thưa các đồng chí là, ba cái vụ điểm nóng này không có nhằm nhè gì mà phải quan tâm lo ngại nhiều"
Mỹ chỉ muốn VN "tự do", Nga cũng muốn VN "tự do" để khi cần thì liên minh địa-chính trị, nhân dân cũng chỉ muốn có tự do, nhưng đảng đã, đang có nguy cơ sẽ tiếp tục thân TQ. Vậy là đảng đã đi ngược lại chính sách mà Mỹ, Nga và nhân dân mong muốn, đi như thế thì ngay cả chính sách đu dây mà đảng đang dùng cũng đã hỏng, không còn hiệu quả cho đảng để đảng yên tâm tồn tại, nói gì đến thật sự vì lợi ích nhân dân-đất nước.
3/ TGL : "Còn nếu mà chúng ta không đi theo quỹ đạo của họ (hàm ý chỉ Mỹ) thì lập tức là bắt đầu nổi lên những điểm nóng. Tôi lấy ví dụ như vấn đề tôn giáo, vấn đề dân tộc, vấn đề dân chủ, nhân quyền,... Mỹ luôn luôn sử dụng như là công cụ phương tiện để mà gây sức ép."
NAD: đoạn này tướng Long nói Mỹ giật dây là sai, là chỉ nói phần ngọn mà quên đi cái gốc. Nhân dân không bao giờ muốn phản mà chỉ có quan bức dân phản. Những điểm nóng đó đa số đều bắt nguồn từ cái sai về chính sách của đảng, của chính quyền làm tổn hại lợi ích của nhân dân nên nhân dân đứng ra tranh đấu.
Có ai muốn mình chỉ có cái miệng mà tranh đấu với 1 hệ thống vũ trang tận răng của đảng làm gì nếu lợi ích chính đáng, hợp lý (và cả hợp pháp) không bị tổn hại ? Nhân dân ngày xưa nuôi đảng mạnh lên, nhờ nhân dân mà đảng có quyền lực, giờ đảng chửi nhân dân "ngu" để cho Mỹ giật dây và lợi dụng chăng ?
Còn vấn đề Mỹ và lực lượng đối lập sau đó bắt tay với nhau là tất yếu, vì nhân dân bị bức ép trở thành đối lập không bắt tay với người chìa tay cho mình (là Mỹ) thì bắt tay với ai trong khi đảng luôn đứng khoanh tay mình lại và trợn mắt nhìn xuống nhân dân. Không nói xa xôi, từ khi có vụ Formosa, có lãnh đạo nào cấp thủ tướng hay bộ chính trị đi đối thoại với nhân dân ?
Con đường đi đến độc lập chính là mở rộng tự do, tự do để tư bản tin tưởng và hợp tác, nhân dân được cởi trói, để đất nước và đảng dần dần trở lại "độc lập", là có sẵn, vấn đề ở chỗ đảng có làm hay không mà thôi.
(còn tiếp)
NAD

PHÂN TÍCH VỀ CLIP CỦA TƯỚNG TRƯƠNG GIANG LONG (PHẦN 3)

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017 | comments ( 1 )

1/ TGL :"sau khi những vấn đề với Trung Quốc nảy sinh, thì báo cáo với các đồng chí là, tôi xin nói lại là Trung Quốc xấu như vậy hay xấu nữa thì chúng ta cũng vẫn phải tìm cách chung sống thôi. Chỉ cố gắng phấn đấu làm sao để họ đừng xấu hơn. Nhá! Chứ bây giờ các đồng chí bảo là đổi Việt Nam đi chỗ khác hay đổi Trung Quốc đi chỗ khác là không bao giờ có rồi, vĩnh viễn mãi mãi là như thế này"

NAD : Ở đây tướng Long nói có đúng và có sai, cần thấy là đảng CSTQ xấu chứ không hẳn cả TQ xấu, và không phải "tìm cách" mà là "có cách sẵn". Cái bí của đảng CSVN trong vấn đề HS-TS là vấn đề công hàm 1958 mà hành pháp đã ký, cùng nhiều tài liệu khác của đảng trước 1975 đã chứng tỏ tinh thần "nhượng bỏ HS-TS" cho TQ,
Thành ra mỗi khi xu hướng "chống lưỡi bò TQ" trong đảng thắng thế, cùng kết hợp với phe dân chủ và quần chúng tiến bộ làm ra những cuộc biểu tình chống TQ thì đảng CSTQ lại phát biểu hàm ý đe dọa "Chúng tôi nhận thấy về vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, ở những thời kỳ khác nhau thì chính quyền VN có những tuyên bố khác nhau", thế là đảng CSVN im lặng.
Cái lo ngại của đảng không phải những cái mà dư luận đã biết, mà đảng lo ngại rằng đảng CSTQ sẽ xì ra thêm những tài liệu, chứng cứ, thông tin về những diễn biến xoay quanh những cái tài liệu đã biết về việc "nhượng bỏ chủ quyền", sẽ là quần chúng nổi giận hơn. Công hàm 1958 chỉ là kết quả của 1 quá trình chưa được minh bạch.
Bây giờ đảng muốn nhân dân cùng đảng "chống TQ" thì đảng nên có thái độ cầu thị nhận sai, chủ động công bố dần những cái đó ra để còn có giải pháp. Không thì khi TQ lấn, đảng không đủ sức chống, cãi lại thì không dám.Không dám cãi mạnh vì TQ còn nắm nhiều thông tin có thể làm đảng mất uy tín thêm, lại kêu nhân dân cùng chống thì nhân dân không nghe nữa.
Đã có làm là có sai, sai thì nguy hiểm, nhưng không nguy hiểm bằng sai mà không sửa, không nhận, đi đàn áp những người chỉ ra cái sai của mình.
Đó là về vấn đề biển Đông, về các vấn đề khác thì càng ngày càng tồi tệ trong việc phụ thuộc. Chỉ điểm qua 2 việc lớn là thấy nguy hiểm vô cùng. Đó là những việc những tướng lĩnh quân đội VN phải sang TQ "học tập" lâu nay, rồi mới đây trong chuyến thăm TQ, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký 15 văn kiện hợp tác, trong đó có việc "cán bộ cấp cao của đảng CSVN sẽ sang TQ để đào tạo thêm"...
Bản thân ngành an ninh của tướng Long nói riêng và các quan chức an ninh quốc gia cấp cao hơn vì sao không ngăn cản việc này mà lại để đảng "đưa thóp cho TQ nắm"như vậy ? Không có nước nào đi đưa tướng lĩnh quân đội và cán bộ nguồn cấp cao của mình sang cho kẻ luôn có dã tâm thôn tính mình, làm suy yếu mình "nắm tóc" như vậy.
Tướng Long nói TQ và VN là không đổi đi chổ khác là đúng, nhưng thái độ của đảng CSVN với vấn đề chịu để TQ lấn hiếp là có thể thay đổi. Hoàn cảnh sẽ thay đổi khi chúng ta thay đổi. Trong phát biểu tháng 5/2014, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo số 2 của đảng khi đó đã chính thức thừa nhận là có vấn đề lệ thuộc trong khi lãnh đạo số 1 muốn mơ về 1 nền hòa bình hữu nghị viễn vông "bây giờ có xung đột thì chúng ta có còn ngồi đây làm hội họp được không", đại khái là thế.
Đã lệ thuộc nhiều nơi, nhiều lĩnh vực rồi, bây giờ nếu đảng (hoặc một bộ phận chống TQ trong đảng) quyết tâm giảm dần lệ thuộc, thì cứ hành động dần như hai ý trên đã nói để nhân dân có niềm tin thì cả nước ngại gì mà không thắt lưng buộc bụng được để cùng nhau vượt khó trong quá trình "chống và thoát Trung"
Tại sao sau 1945, nước Nhật khủng hoảng hơn cả Việt Nam bây giờ nhiều, mà họ vẫn vượt qua khó khăn còn đảng CSVN lại không có quyết tâm làm được ?
2/ Về vấn đề quan hệ với Campuchia mà tướng Long nói tiếp theo, đại ý "Campuchia đã phản bội VN, cá nhân Hunsen cũng phản bội đảng CSVN".
NAD: Hunsen cũng là do đảng CSVN đưa lên, cũng phải có đi đêm, cũng có này kia nọ trong quá trình đó, nhưng vì sao đến nay chính quyền của Hunsen đã trở mặt thẳng thừng với VN ? Hunsen đã thẳng thắng thừa nhận những vấn đề này kia giữa cá nhân ông ta và đảng CSVN để được thể chế Campuchia ủng hộ và bỏ qua, vì sao đảng CSVN không thể làm thế với chính nhân dân của mình ?
Mới đây nhất là ngoại trưởng Campuchia còn nói rằng " Biển Đông nóng lên là do Mỹ", điều đó nói lên rằng sự phản bội đã được chứng minh. Thái độ lừng khừng của đảng trong bang giao Việt-Mỹ đã làm VN chính thức trả giá, mất CPC và Lào là mất hẳn cái sườn phía tây trong vấn đề "chống Trung", là biến việc hi sinh của bộ đội VN tham gia chiến trường K khi xưa thành vô nghĩa.
Đảng CSVN mới rồi còn công khai ký kết văn kiện hợp tác "đưa cán bộ nguồn dự bị câp cao sang cho TQ đào tạo" thì Hunsen có ngại gì mà không phản phé, thưa tướng Long.
Các phần sau của phần nói về TQ thì các ý trên đây đã giải thích kèm theo nên không cần phân tích về phần TQ trong clip nữa. Bài tiếp theo là phần Nga, Mỹ và các vấn đề dân chủ, nhân quyền theo diễn biến tiếp theo.
VN và TQ không thể thay đổi vị trí địa chính trị, nhưng đảng CSVN và đảng CSTQ có thể thay đổi thái độ chính trị. Đảng đang lãnh đạo thì đảng phải đi trước, đảng không đi thì than thở như tướng Long là đúng, nhưng cũng chỉ để nói mà thôi.
NAD

PHÂN TÍCH VỀ CLIP CỦA TƯỚNG TRƯƠNG GIANG LONG (PHẦN 2)

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017 | comments

1/ TGL: Trung Quốc, tôi xin thưa với các đồng chí là, không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông. Không bao giờ từ bỏ dã tâm này. Mà cái này nó không phải chỉ là cái thời ông Tập Cận Bình này đâu, ông khác lên cũng sẽ như vậy thôi! Câu chuyện là bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào. Thưa các đồng chí, chính vì vậy mà chúng ta không loại trừ cái việc mà họ tìm mọi cách làm suy yếu từ bên trong.
NAD: Ý này không mới, nhân dân và nhiều quan chức đảng đã nói. Gần đây nhất là ông Trần Đại Quang "Trung Quốc không bao giờ muốn Việt Nam mạnh lên".

Nói về TQ bao giờ sẽ lấy hết đảo của ta ở Biển Đông và lấy bằng cách nào thì có 2 ý. Một là TQ sẽ lấy trong cuộc "thử lửa" ngắn hạn kỳ này một khi Mỹ đã sẵn sàng và đẩy 1 quân cờ ra khai chiến (mà VN có xác suất bị chọn khá cao), hai là TQ sẽ lấy một cách dần dần bằng cô lập tiếp tế các đảo của VN (cấm biển, cấm bay) để chúng ta tự từ bỏ.
Tôi nghĩ chúng ta nên từ bỏ đi tư duy "cả đảng CSVN bán nước". Chúng ta có thói quen hễ 1 lãnh đạo đảng phát biểu "chống Trung" là chúng ta bảo là đóng kịch lấy tiếng và mị dân, còn họ im lặng thì chúng ta bảo hèn, còn họ nịnh TQ thì chúng ta bảo nhục, kiểu gì chúng ta cũng "chửi" được cả, và chúng ta làm nhân dân chán nản với chính chúng ta.
Đoạn phát biểu này của tướng Long dĩ nhiên ông ta và một bộ phận trong đảng không muốn nó được công khai, vậy thì tướng Long không có động cơ "chơi nổi lấy tiếng, mị dân" , và hẳn nhiên ông ta không thể kêu gọi cả trăm cán bộ nguồn "chống TQ" nếu nhiều cấp trên của tướng Long không "chống TQ".
2/ TGL:"Cho nên tôi xin nói với các đồng chí là, bọn xấu nó cài cắm, nó moắc ngoặc nó lôi kéo hồi xưa chỉ một vài người là đã nguy hiểm rồi, đã chết rồi. Bây giờ tôi thông báo với các đồng chí là nó đã có đến con số hằng trăm. Mà hàng trăm không phải chỉ là con số dừng lại ở hàng trăm, mà trăm này có thể cộng với trăm kia nữa chứ không phải chỉ trăm"
NAD: Đoạn này tướng Long nói về gián điệp TQ trên nước ta, và ông dùng từ "móc ngoặt, lôi kéo" như vậy chúng ta cần làm rõ TQ móc ngoặt và lôi kéo ai ?
Dĩ nhiên TQ sẽ lôi kéo những người có quyền lực và có tiếng nói trong xã hội, người có ảnh hưởng hoặc quyền quyến định chi phối quốc gia. Như vậy TQ sẽ khoái,đã, đang và luôn luôn lôi kéo từ cao đến thấp, từ trong đảng ra ngoài dân. Tướng Long đã gián tiếp thừa nhận nguy cơ trong Bộ Chính Trị, BCHTW, chính quyền tỉnh-huyện-xã đều có gián điệp, tay sai tiếp tay. Đó là "trăm này"
"Cộng với trăm kia" có thể hiểu là ngoài dân, là những người có uy tín, ảnh hưởng trong nhân dân và kể cả trong chính những người đang tranh đấu dân chủ. Chúng ta có dám chắc là những người đang hô hào dân chủ nhưng cách làm thì tổn hại đến lợi ích quốc gia, đến tiến trình thay đổi chính trị của đất nước là không có tay sai của TQ trà trộn để làm lạc hướng, phá rối và kéo lùi hay không ?
Về phía đảng và an ninh nói chung, đã đến lúc phải "xử lý một người để cứu muôn người" bằng cách mang gián điệp, tay sai của TQ ra xử công khai, đúng người, đúng tội để có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Làm sao có thể "chống TQ" được một khi xử dân chủ và phe thân Mỹ thì hò hét, tuyên truyền nhưng xử gián điệp TQ thì đóng cửa, im lặng và không nói ra.
Về phe dân chủ và quần chúng nói chung cũng cần thay đổi, chúng ta luôn quan niệm cứ chửi chính quyền hay chửi quan chức đảng là đấu tranh dân chủ, vì thế chúng ta tự ru ngủ chúng ta và làm quần chúng rối ren theo. Đã đến lúc phong trào dân chủ phải nhìn ra mình cần chửi ai, chửi cái gì, làm cái gì, khi nào.. mới là có lợi cho đất nước.
Hãy nhớ rằng "đảng CSTQ sợ phong trào DCVN hơn đảng CSVN sợ phong trào DCVN". Nếu chúng ta vì để đấu tranh dân chủ mà vô tình/ cố ý tiếp tay cho TQ tiêu diệt bộ phận chống TQ trong đảng thì chúng ta không khác gì "phe thân TQ" cả. Phe đó làm tổn hại đất nước bằng chữ ký thì chúng ta làm tổn hại đất nước bằng lời nói. Do đó nếu chúng ta càng có ảnh hưởng trong quần chúng, thì tiếng nói chúng ta về triều đình cần hết sức thận trọng.
3/ TGL :"cán bộ chủ chốt chúng tôi được nghe đồng chí lãnh đạo cấp cao của ngành thông báo là chúng ta đang theo dõi, đang nắm rất chắc, rất chặt những cái diễn biến của các phần tử cơ hội chính trị mà có cái mưu toan móc ngoặc cấu kết với bên ngoài, do bên ngoài moắc ngoặc cấu kết để mà lật đổ, chống phá chế độ chúng ta. Những cái bộ phận ấy nó là ngòi nổ cho các cuộc bạo loạn, cho các cái điểm nóng chính trị. Mà chúng ta đó, thưa với các đồng chí, không thể xem thường và coi nhẹ!"
NAD: đây là đoạn mà tôi thấy nhiều anh chị em ngộ nhận. cần đặt ý của đoạn này trong ý trước "chống TQ" của tướng Long. Chúng ta cần phải thoát ra cái não trạng là vừa nghe ông Long nói "cơ hội chính trị và thế lực thù địch" là ông Long chửi chúng ta. Nếu chúng ta yêu nước trong sáng, đấu tranh cho dân chủ đúng nghĩa vô tư thì chúng ta "tự nhận" cái danh đó làm gì ?
Ông Long không nói rõ (vì tế nhị cái ghế) nhưng chúng ta phải biết rõ. Chúng ta cần thấy là TQ cũng sẽ muốn lật đổ thể chế của VN nếu xu hướng chống TQ trong đảng thắng thế và lên cầm quyền. TQ cũng muốn VN suy yếu nên sẽ gây ra bạo loạn bên ngoài dân (vụ Bình Dương Vũng Áng là một vì dụ gần nhất) để gây sức ép bên trong đảng.
Cái mà đảng CSTQ cần ở VN là một thể chế "thuần phục" họ 100%, còn cái tên của nó là đảng CSVN hay dân chủ, cộng hòa gì đó đâu phải là vấn đề mà TQ phải quan tâm. Nếu chúng ta vì chán ghét đảng CSVN mà chúng ta mắc mưu, vô tình/ cố ý tiếp tay họ lật đổ phe chống TQ trong đảng thì chúng ta càng làm cho nhân dân và đất nước dính chặt vào TQ hơn.
Chúng ta đã nói có một bộ phận trong đảng CSVN tiếp tay cho TQ, chúng ta có dám chắc trong phe dân chủ chúng ta không có bộ phận này hay không ? Nhưng cứ hễ chúng ta nghe cá nhân, hội nhóm nào đó hô hào là chúng ta hò reo mà rất ít khi chịu lắng lại, suy xét, tìm hiểu..để có ứng xử phù hợp.
Chỉ "rã băng" 5 phút đầu bài nói của tướng Long mà rất nhiều vấn đề phải nhìn và phải thấy như vậy. Tôi sẽ viết tiếp phần 3.
NAD

PHÂN TÍCH VỀ CLIP CỦA THIẾU TƯỚNG TRƯƠNG GIANG LONG (Phần 1)

| comments

Hôm nay cộng đồng FB Việt xôn xao vì 1 clip phát biểu của bài nói chuyện nội bộ của Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị, Công an Nhân dân ảnh).

Tôi viết bài này trong một tư thế rất hẹp, các bạn cần chú ý là hiện giờ tôi đang nằm trong nhóm Biển Xanh, lại đảm nhiệm vai trò đại diện chung, đang thúc đẩy việc đòi hỏi "minh bạch Formosa" , đụng chạm (và dĩ nhiên có mâu thuẫn thêm) đến một bộ phận trong đảng nên ở vào tư thế khó khăn và chịu nhiều sức ép hơn trước kia rất nhiều.
Tôi cũng không muốn mình gây thêm "ân oán" với Bộ Công An lúc này, việc Bộ Công An im lặng giám sát và để cho nhóm Biển Xanh có thể làm được cái mình muốn là điều tôi đang ghi nhận. Do đó khi viết bài này, tôi phải cân nhắc rất nhiều, và thực sự không hề muốn viết.
Nhưng tôi cũng muốn viết thêm để bạn đọc có thêm cái nhìn đa chiều về sự việc, có thể đúng, có thể sai..nhưng đó là cần thiết. Và với trách nhiệm của bản thân tôi với tiến trình dân chủ chung của đất nước, tôi không thể không viết khi các bạn cần.
Chúng ta cần thấy là clip ra đời trong tư thế rất thú vị. Cần chú ý đây là lớp mang tính định hướng, và là định hướng chính thức trong ngắn và trung hạn cho lớp cán bộ nguồn của lực lượng an ninh Việt Nam. Nên dĩ nhiên nó là mật, không được phổ biến ra công chúng. Không phải là tất cả, nhưng một bộ phận trong đảng sẽ không bao giờ muốn định hướng chỉ đạo cho lực lượng "còn đảng còn mình" bị lộ ra cho công chúng và quốc tế.
Chúng ta phải biết là tổng cục chính trị Bộ Công An, dù mới ra đời, nhưng chính là nơi đảm nhận vai trò phát biểu đường lối chính thức để định hướng hoạt động cho ngành an ninh nói riêng và công an nói chung, do đó tiếng nói chính thức trong 1 khóa "bổ sung kiến thức" của lãnh đạo tổng cục là rất quan trọng,nội dung bài nói sẽ phải được nhiều cấp cao hơn ông Long xem xét.
Với những thông tin mà tướng Long nói về Trung Quốc và về Mỹ thì tôi nghĩ là phe thân Trung Quốc không muốn nó lộ ra ngoài. Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn nghe tổng cục chính trị Bộ Công An "chửi" cả hai bên. Trong tư thế lúng túng của tướng Long vì tranh chấp đường lối ở thượng tầng cao cấp thì với vị trí là trung tầng trung cấp, ông ta phát biểu như thế là điều dễ hiểu.
Tôi quan sát rất kỹ website đưa ra clip, và dù nó có tên là "đảng cộng sản Việt Nam" nhưng tôi e rằng ban biên tập của nó có xu hướng ủng hộ ông Trần Đại Quang trong cuộc đua lên ngai vàng vào HNTW 5 và HNTW 6, là hai hội nghị mang tính bản lề, bàn về nhân sự của đảng CSVN sắp tới, nên clip được đưa lên mạng là không hề ngẫu nhiên.
Từ việc ông Trần Đại Quang đi Mỹ gần 1 tháng vào năm 2015, đến việc ông Tô Lâm nói "phát triển để ổn định", đến bài viết "phải đổi mới 2" của báo CAND chính là quá trình thai nghén cho việc ra đời của clip này trên mạng, và sau khi thấy cộng đồng FB lan tỏa rộng, nó được âm thầm tháo xuống để tránh việc bị quy cho là "cố tình khiêu khích" và gây thêm căng thẳng trong nội bộ đảng.
Ông Trương Giang Long với tư duy giáo điều bảo thủ đã quen từ khi bước chân vào ngành an ninh, đã lúng túng trong việc đảng bị phân hóa và bắt buộc phải thay đổi đường lối trước sự đểu cáng của đảng CSTQ và e ngại xu hướng dân chủ nhân quyền kiểu Mỹ. Cuối cùng ông chọn kiểu nói hàng hai để giữ mình, đó là kiểu tư duy của việc phải chấp hành xu thế giữ nước và giữ đảng mà phe thân Mỹ đòi hỏi ở tổng cục chính trị nơi ông đang làm lãnh đạo, vừa phải chấp hành xu thế giữ đảng- giữ quan hệ cho đảng CSVN với đảng CSTQ mà phe thân TQ yêu cầu, nên đã có bài phát biểu gây mất lòng tất cả.
Điều này nằm trong quy luật " nếu anh muốn làm hài lòng tất cả,cuối cùng anh sẽ mất lòng tất cả", và không chỉ xảy ra ở ông Trương Giang Long mà e rằng nó là xu thế gây khó khăn cho toàn bộ cán bộ trung cao cấp của ngành an ninh hiện nay.
Tôi cảm ơn người đã ra quyết định đưa clip này lên FB, và cảm ơn cả người trực tiếp đưa nó lên dù không biết là ai. Bài tiếp theo tôi sẽ đi sâu vào nội dung phát biểu của tướng Long.
NAD

VIDEO PHÁT BIỂU CỦA THIẾU TƯỚNG AN NINH TRƯƠNG GIANG LONG

| comments

Lâu nay chúng ta bàn về quan hệ Việt -Trung, về bàn cờ Việt-Trung-Mỹ cũ và mới, về bàn cờ Nhật-Úc-Ấn-Việt, về vấn đề chuyển hóa Việt Nam,tất cả vẫn còn lưu trong FB này và blog của mình, về sự sai lầm của nhiều người tranh đấu dân chủ (không phải tất cả)
Bây giờ mời các bạn nào hiểu về quan điểm của mình, hay đọc bài mình từ lâu nay xem clip này, nghe kỹ và chú ý những chi tiết quan trọng nhé, xem coi VCRN chúng ta đã phân tích đúng cái gì, cần điều chỉnh cái gì và cần từ bỏ những cái gì.
RẤT QUAN TRỌNG
P/s: Ba năm qua, tôi viết nhiều trên BBC, phát biểu trên RFA, báo lề trái, viết FB, blog..đáng giá gần tương đối trùng hợp gần hết 70% nội dung của clip này.
Tôi không cảm thấy mừng vì mình đã đánh giá đúng và sát tình hình mà tôi cảm thấy buồn vì những gì tôi nói ra thì nhiều anh em vận động dân chủ không quan tâm, không lắng nghe, không cùng tôi thúc đẩy ra quần chúng.
Đấu tranh mà không biết người biết ta...thì đấu tranh với ai, và có lợi ích gì cho đất nước và nhân dân ?
NAD

LỪA VÀ CHIM MỒI

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017 | comments

Hôm nay có cô bạn FB quen lâu, dù chưa gặp nhau, có chat riêng tỏ ý thích thú vì các đề tài mình viết, cũng muốn gặp nhau nhưng ngại mình và nhiều người tranh đấu là "chim mồi" do an ninh đưa ra để bắt những người quần chúng chớm có ý đồ đối lập như cô ấy. Thế nên viết ra đây luôn cho rộng đường dư luận.

Trước tiên, cần minh định với bạn là theo đà nâng cao dân trí và đà chuyển hóa của đảng cùng với số người đối lập chính trị ngày một đông từ thấp lên cao thì việc đảng lo đối phó cũng đã mệt, thả ra chim mồi để làm gì nữa khi số có sẵn đã rất đông ?
Thứ hai là số người viết lách chống lại những sai lầm của đảng ngày một đông và dần tinh nhuệ về chất, đảng còn chưa bắt hết nổi thì dựng ra các chim mồi để bắt số người likes và share để làm gì ?
Thứ ba là một kinh nghiệm thú vị, đó là khi chế độ cộng sản tại Ba Lan sụp đổ, người ta tính ra có khoảng 70% những người đối lập chính trị đều có quan hệ với an ninh đảng trong một lúc, một mức độ, một quãng thời gian.. nào đó. Như vậy nếu bạn muốn tham gia chính trị, bạn không thể nào chọn ra được 30% còn lại là ai, nên việc nghĩ coi một ai đó là an ninh hay không phải an ninh hầu như bất khả thi.
Như vậy bạn chỉ có cách nhìn vào đường lối và tư duy của người đó để bạn quyết định. Đường lối hợp lý và tư duy nhất quán đi về hướng dân chủ pháp trị thì an ninh hay không sẽ không còn là vấn đề nữa. Cần lưu ý là người tự tay chuyển hóa Liên Xô chính là một tổng bí thư, đảng viên cao nhất của đảng CSLX.
Thứ tư là phong trào dân chủ đang trong thời kỳ chuyển đổi phương thức hoạt động của nó. Từ hình thái một tổ chức chính trị kín và bảo mật do quá khứ đàn áp nặng tay của đảng chuyển sang những tổ chức chính trị mở do đảng dần dần phải nhẹ tay. Đây là điều cần thấy trong phong trào dẫn đến phải thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách tranh đấu để phát triển tốt hơn.
Do đó người đấu tranh đang có xu hướng thay đổi, từ bảo mật chiến lược sang bảo mật chiến thuật, từ bảo mật quan hệ sang bảo mật nội dung quan hệ, từ bảo mật tư tưởng chuyển sang bảo mật hành động, từ bảo mật nguồn kinh phí sang xã hội hóa kinh phí...
Thứ năm là nếu áp dụng đúng tinh thần dân chủ khi cùng nhau đấu tranh thì sẽ có nền tảng đa nguyên của nó làm cái van hữu hiệu cho các sách lược tranh đấu công khai khỏi bị dùng để lừa đảo quần chúng số đông. Khi một phong trào, tổ chức, hội nhóm nào đó có tính dân chủ và đa nguyên thực sự thì mọi việc lớn đưa ra đều bị săm soi và phản biện đa chiều.
Hầu hết những điều khuất tất sẽ bị quá trình này lật tẩy. Sở dĩ mình hay viết các vấn đề tranh đấu ra công khai là cũng để các bạn cùng tham gia bàn thảo đánh giá, cũng là để các bạn tự hiểu là các bạn sẽ không bị ai lừa lọc dẫn dắt vào các âm mưu phe phái hậu trường.
Một phong trào dân chủ và một phong trào chống cộng tuy thấy giống nhau nhưng thật ra là khác nhau. Một tổ chức dân chủ và một tổ chức ra đời để lật đổ đảng CSVN và thay thế đảng CSVN thấy giống nhau nhưng cũng lại khác nhau.
Vấn đề là lúc nào và khi nào và ai, chỉ như thế mà thôi.
NAD
 
Copyright © 2014. Nhà Báo Nguyễn An Dân - All Rights Reserved
Proudly powered by Blogger