Đoàn kết và chia rẽ

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016 | comments

Tối hôm qua có một người bạn thân đến tìm,cũng "chất vấn" mình về việc sử dụng website của ông Nguyễn Thanh Tú khi phê phán và đưa tin về Việt Tân, hỏi mình có quen biết hay ăn chia gì với các phe chống Việt Tân hay không ?

Hôm nay cũng có một ông anh thân thiết góp ý cho mình về vấn đề viết bài trên FB đôi khi nói không đúng, mang tính "phán", sử dụng website của ông Nguyễn Thanh Tú trong chuyện phê bình Việt Tân cũng như phê bình quan điểm của một số cá nhân như Huy Đức, Người Buôn Gió hay Lê Công Định..., có thể làm mất tình đoàn kết với những cá nhân, hội nhóm xung quanh các nhân vật trên
Cảm thấy đây không còn là chuyện riêng tư nên thôi nói một lần cho rộng đường dư luận, vì phía sau những vấn đề này là tính đoàn kết trong tranh đấu dân chủ
1/ Nói về đoàn kết (ĐOÀN KẾT HƯỚNG ĐI)
Dân chủ hóa đất nước là một công cuộc phải làm và trách nhiệm của toàn dân tộc, trong đó từ trong ra ngoài nước, từ quần chúng cho đến đảng viên đều phải tham gia nếu một khi đã một lần nói "tôi là người yêu nước". Nó vĩ đại vậy nên đoàn kết là một cái tiên quyết phải có
Ai cũng kêu gọi đoàn kết, nhưng ít ai nhận ra tiêu chí nào là đoàn kết và đoàn kết trong tinh thần nào ?. Chuyển hóa đất nước về hướng dân chủ pháp trị thì phải đoàn kết trên các lề lối và giá trị của dân chủ pháp trị, chứ làm sao đoàn kết xây dựng dân chủ pháp trị theo kiểu đoàn kết xây nhà cửa của 1 công ty xây dựng.
Đoàn kết phải cụ thể theo mục đích mà việc đoàn kết đặt ra, chứ không phải áp dụng cá mè một lứa dùng đoàn kết để làm việc này áp dụng vào đoàn kết để làm việc khác
Như vậy trong khối đoàn kết để xây dựng dân chủ pháp trị, thì những cá nhân, hội nhóm nào hoạt động vi phạm các giá trị, lề lối của dân chủ pháp trị phải được chỉ ra, phê bình để chỉnh sửa. Không chỉnh sửa thì phải tẩy chay, chứ không thể cùng nhau im lặng rồi cuối cùng quần chúng bị lừa.
Không dám, không thấy, hay không làm những việc này thì mãi mãi không bao giờ có đoàn kết.
Như vậy về sau khi xuất hiện những vấn đề phê bình nhau, chúng ta cần nhìn ra đó là phê bình quan điểm, và phê bình đúng hay sai để có những điều chỉnh thích hợp. Để tiến tới đoàn kết lớn trong toàn bộ những cá nhân hội nhóm tham gia. Tôi tạm gọi nó là "đoàn kết trong hướng đi"
Dưới một tầm của đoàn kết trong hướng đi là đoàn kết trong hành động, ví dụ như cùng nhau đi biểu tình phản đối Trung Quốc bành trướng, hay kêu gọi cứu trợ lũ lụt miền trung..là những sự việc, sự vụ cụ thể có bắt đầu và kết thúc. Tôi tạm gọi là đoàn kết sự vụ
Trong đoàn kết sự vụ, điều quan trọng là tác nhân khởi xướng và tác nhân ủng hộ có cùng một mối quan tâm chung và thống nhất cách làm chung. Khi tác nhân khởi xướng đưa ra kế hoạch, những cá nhân/tổ chức quan tâm có thể ủng hộ hay không ủng hộ. Nếu ủng hộ thì là đoàn kết, không ủng hộ thì là chưa đoàn kết.
Nhưng khi không ủng hộ mà cần phản biện thì phải trên tinh thần lớn hơn là "dùng đoàn kết hướng đi để phản biện đoàn kết sự vụ", coi nó có ảnh hưởng đến đoàn kết hướng đi hay không, nếu không thì cũng không nên có ý kiến để khỏi làm rối loạn việc người ta đang làm
Đoàn kết hướng đi phải coi là nền tảng cho đoàn kết sự vụ, nếu đoàn kết sự vụ làm hại đoàn kết hướng đi thì đoàn kết đó có ích lợi gì ?
2/ Nói về chia rẽ (CHIA RẼ SỰ VỤ)
Trong xây dựng dân chủ pháp trị, việc viết lách để khai trí và nêu quan điểm là quan trọng. Nếu chúng ta đọc bài viết, chúng ta không đồng ý thì có thể phản biện ngay, công khai với tác giả bài viết, còn nếu lười nói lại thì im lặng. Chứ không phản biện công khai mà đi xì xào nói sau lưng thì đó là gây chia rẽ. Trừ khi vấn đề phản biện nói rộng ra có thể gây nguy hiểm cho nhiều bên thì là khác.
Vấn đề thứ hai trong gây chia rẽ là vấn đề phá hoại đoàn kết sự vụ. Một người/ hội nhóm nếu đưa ra một hoạt động nào đó mà chúng ta không ủng hộ họ thì về sau chúng ta cũng không nên phê phán họ trừ khi việc họ làm có ảnh hưởng đến "đoàn kết hướng đi".
Tôi ví dụ chính bản thân tôi hay triển khai các chương trình hoạt động thúc đẩy dân chủ, có nhiều cá nhân hội nhóm chẳng ủng hộ giúp đỡ gì, nhưng lại phê bình lén lút với người này nhóm kia khi tôi làm gì đó họ không thích, đó là việc gây chia rẽ. Tại sao lúc người ta cần anh ủng hộ/ cùng làm thì anh không làm, rồi họ làm việc khác thì anh lén lút chê bai sau lưng khi việc đó anh sợ rằng nó làm anh bị thiệt thòi ?
Vấn đề gây chia rẽ thứ ba là quy kết chụp mũ là người phe này phe kia trong khi không có bằng chứng hay suy luận lắp ghép xuyên suốt các sự kiện một cách logic. Nhiều sự việc trong chính trị dĩ nhiên khó mà có bằng chứng, nhưng suy luận logic thì có thể xem là một kênh quan trọng, để tránh tình trạng cứ đòi bằng chứng trong khi logic vấn đề đã sờ sờ ra đó thì chuyện cả đám sập hầm là chuyện sắp sửa xảy ra.
Còn nhiều cái để nói về đoàn kết và chia rẽ, nhưng tạm đưa ra các vấn đề này đã, nếu những ai quan tâm và thúc đẩy dân chủ Việt Nam làm tương đối được những điều này thì đã là phúc cho nhân dân đang trông đợi
Chia rẽ có thể chết lẻ tẻ, nhưng đoàn kết hướng đi mà không dùng dân chủ pháp trị là lề lối thì có nguy cơ chết hết
Nguyễn An Dân 10/12/2016
Chia sẻ bài viết này :


Đăng nhận xét

 
Copyright © 2014. Nhà Báo Nguyễn An Dân - All Rights Reserved
Proudly powered by Blogger