Ở ĐÂU SẼ LÀ BÀN CỜ ĐỂ MỸ-TRUNG TỶ THÍ ?

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017 | comments

Xin nói rõ là va chạm Mỹ-Trung ở đây không có nghĩa là Mỹ và Trung Quốc đánh nhau trực tiếp như thời các cường quốc trong Thế Chiến 2, mà là đối đầu nhau qua 1 trung gian thứ 3. 

Mỹ (hoặc Trung) dùng một nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương làm vùng đệm và trái độn để nắn gân nhau và khẳng định ưu thế khu vực để giới hạn không cho chiến tranh lan rộng ra, cũng như đạt được mục đích chính trị của hai bên "khẳng định sức mạnh của mình để trấn an và lôi cuốn đàn em", là đủ.
1/ Nước nào sẽ là trái độn ?
4 nước theo tôi là Đài Loan, Nhật Bản, Philipin và Việt Nam là 4 nước có khả năng cao nhất được lựa chọn, và chúng ta sẽ lần lượt phân tích dưới đây:
- Đài Loan: Theo tôi thì Đài Loan khó được lựa chọn, thứ nhất là vấn đề Đài Loan và Trung Quốc là chung dân tộc, thứ 2 là nói gì thì nói, Mỹ đã tuyên bố ủng hộ chính sách Đài Loan và Trung Quốc là "Một Trung Quốc". Mỹ ủng hộ Đài Loan va chạm với Trung Quốc thì sẽ mất đi tính chính nghĩa. Tiếp theo là bản thân chính phủ Đài Loan chỉ muốn kháng Trung ở mức vừa đủ để giữ tự chủ, họ không muốn đẩy vấn đề đi xa hơn. Với các vấn đề như thế, Mỹ sẽ coi Đài Loan tiếp tục là sinh tử phù trong Trung Quốc hơn là đưa nước này ra làm tốt thí.
- Nhật Bản: Theo tôi Nhật Bản vẫn không được lựa chọn. Nhật là một cường quốc, tuy không bằng Mỹ và Trung nhưng cũng có tư thể ngẩng cao đầu của mình, sẽ không chấp nhận vấn đề tốt thí. Thứ 2 là lâu nay Mỹ vẫn coi Nhật là đồng minh thân cận, thay mặt Mỹ coi ngó vùng Đông Á và Châu Á nói chung, nếu Mỹ quyết định đem Nhật ra tỷ thí có thể đẩy Nhật ra xa Mỹ, có khi mất nhiều hơn được.
Chưa kể yếu tố quan trọng nữa là Nhật còn có chính sách Đại Đông Á riêng của họ, họ không dễ dàng để Mỹ chọn mình là con cờ thí trước một Trung Quốc chưa hề tổn thương và sứt mẻ lúc này. Có thể Nhật sẽ đứng ra trong một ván cờ khác, nhưng là chuyện về sau, ở cuộc đối đầu thứ 2 hay thứ 3, thì phù hợp với họ hơn.
- Philippin : những cuộc "chống Mỹ và chửi Mỹ" dữ dội của tổng thống Duterte hẳn nhiên không làm Mỹ khoái. Trong chiến lược triển khai quân sự để phá sách lược bành trướng lưỡi bò của Trung Quốc thì cảng Subic của Philipin và cảng Cam Ranh của Việt Nam có vai trò quan trọng nếu kết nối với nhau.
Sẽ là mô hình tuyệt vời cho Mỹ nếu VN và Philipin có thể là đồng minh canh cửa, nhưng e rằng khó trong thực tế. Tuy nhiên xét về tính bền vững, thì việc Philipin "thân Trung" hiện nay chỉ là do vấn đề của 1 tổng thống trong một thời kỳ chứ không phải là chính sách xuyên suốt lâu dài của một thể chế. Nên nếu đặt lên bàn cân để dùng làm tốt thí, thì khả năng Mỹ chọn Philipin vẫn thấp hơn khả năng Mỹ chọn Việt Nam.
Mỹ chỉ việc nhùng nhằng với Trung Quốc ở nước này, chờ cho ông Duterte hết cầm quyền thì có thể tính một tổng thống khác để đưa Philippin trở về với Mỹ, dễ dàng hơn rất nhiều so với chuyện chuyển hóa VN.
2/ Việt Nam có nguy cơ bị thí rất cao
Như đã nói, Mỹ và đồng minh luôn đánh giá cao khả năng của dân tộc Việt Nam với nhiều nghìn năm tranh đấu chính trị với Trung Quốc một khi Việt Nam đạt đến sự cân bằng chính sách và thoát khỏi "vòng kim cô ý thức hệ XHCN anh em" với Trung Quốc. Nhưng chưa bao giờ Mỹ có thể chuyển hóa đảng CSVN trở nên đủ để cân bằng ảnh hưởng.
Từ khi người khai mở cho chính sách thân phương Tây trong đảng CSVN là nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đến hết nhiệm kỳ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì chính sách này bị đứt khúc, ghế thủ tướng chuyển sang phái thân Trung Quốc cầm nắm, quyền lực áp đảo làm cho đường lối thân Mỹ có nguy cơ lớn bị đứt đoạn.
Người được Mỹ tiếp tục bắt tay là chủ tịch nước Trần Đại Quang hiện nay thì rõ ràng không ở vị trí thủ tướng để có thể chuyển hóa Việt Nam nhanh hơn như Mỹ và tư bản mong muốn. Ông Trần Đại Quang dù có nhiều nỗ lực để tăng quyền cho mình hòng xoay sở, nhưng e rằng không thể đạt đến tầm mức đẩy VN chuyển hóa nhanh như các đời thủ tướng trước đây.
Nếu xu hướng chuyển hóa VN của Mỹ đang dần dần giảm sút thế và lực bên trong đảng CSVN, còn có lựa chọn nào khác hơn là Mỹ sẽ đặt đảng CSVN trước số phận hoặc là con cờ thí, hoặc là chuyển hóa để giữ vai trò trung lập thật sự để đủ tầm dẫn dắt Asean kháng Trung. VN phải có lựa chọn một là bị thí, hai là đóng vai trò quan trọng hơn trong khu vực ở tương lai bằng chính việc tự chuyển hóa của mình.
Dư luận cần chú ý là các điều kiện cần để Mỹ dùng Việt Nam là trái độn đã có về mặt quân sự. Năm 2015, Tư Lệnh Lục Quân Thái Bình Dương, đại tướng Vincent Brooks, đã thăm Việt Nam. Trước đó là Tư Lệnh Không Quân Thái Bình Dương, đại tướng Gary North cũng thăm Việt Nam, kèm theo nhiều chuyến thăm, khảo sát..của các tướng lãnh quân Mỹ khác, kể cả Tổng Tham Mưu Trưởng Martin Dempsey.
Cú chốt sau cùng là cuộc "trưng cầu dân ý nhân dân VN" về tấm lòng đối với Mỹ, thông qua chuyến thăm của tổng thống Obama. Mỹ phải xác định vấn đề quan trọng nhất là kịch bản "ăn cơm quốc gia..."sẽ không tái diễn lại một lần nữa.
Kèm theo đó là các thương vụ bán vũ khí cho Việt Nam của các nước "không ưa gì TQ" như Israel, Ấn Độ, Nhật Bản..trong suốt 10 năm qua, đã đưa Việt Nam lên thứ 17 trong bảng xếp hạng quân sự thế giới.
Đòn hăm he đẩy VN ra làm chốt thí có thể giúp Mỹ chuyển hóa VN nhanh hơn, tiếp tục kế hoạch kênh đào Kra và tạo ưu thế lâu dài cho VN đủ sức cầm ngọn cờ Asean kháng Trung, nhất cử tam tứ tiện như thế, nếu tôi là Mỹ tôi cũng sẽ làm.
Về phía VN, tôi e rằng cũng khó mà né tránh. Năm 2018, một khi Hunsen mất quyền lực ở Campuchia sau bầu cử mới thì cái sườn Tây Nam của VN cũng sẽ không yên, phía Bắc và biển Đông thì Trung Quốc áp sát, còn có cửa chạy về đâu.
Nhật Hoàng thăm VN tới đây phải chăng là thông điệp dân tộc Nhật và Việt sẽ sát cánh bên nhau trong ván cờ này, nhưng Việt đi trước Nhật đi sau.
Hơi nóng từ những cây nhang của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viếng ông Lê Duẩn hôm nay cũng chính là hơi thở của thần chiến tranh đang phả đến.
Kỳ tới : Ai sẽ cùng Mỹ và chạm với Trung Quốc và khi nào điều đó xảy ra.
NAD
Chia sẻ bài viết này :


Đăng nhận xét

Pages (18)1234567 Next
 
Copyright © 2014. Nhà Báo Nguyễn An Dân - All Rights Reserved
Proudly powered by Blogger