Kỳ 2 : Chính trị là một nghề chuyên nghiệp

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016 | comments

1/ Dân chủ cần chính khách nhân dân
Theo xu hướng phát triển của dân trí, đảng trí và hội nhập đa phương thì dân chủ và đa nguyên là cái bắt buộc phải đến.

Chính quyền nào cũng là do những con người lập ra, mà quy luật là có làm thì có sai. Ban hành chính sách sẽ có hợp lý và không hợp lý. Ở các nước có dân chủ pháp trị ổn định và tiến bộ, người ta dùng hiến pháp và luật để hạn chế các sai lầm chính sách và phản biện xã hội được coi trọng để điều chỉnh chính sách
VN là nước chưa có dân chủ pháp trị ổn định mà chỉ chớm đi vào đòi hỏi dân chủ pháp trị. Xã hội có đa nguyên, trong đảng cũng có đa nguyên nhưng chưa cho phép đa nguyên nên hiến pháp và luật có nhiều nơi, nhiều chỗ chưa có các quy định để điều chỉnh chính sách sai lầm của thể chế, cũng như vai trò của phản biện chưa được xem trọng.
Nguyên nhân này đến từ hai phía là tư duy độc quyền quản lý của đảng là nguyên nhân lớn và nguyên nhân nhỏ là phản biện xã hội của đa số người dân chủ chưa đúng tầm. Việc có liên quan đến đảng thì tạm chưa nói, trong phạm vi bài viết này đề cập đến khắc phục nguyên nhân nhỏ là nâng tầm phản biện của người dân chủ
Quy luật là muốn nâng tầm trong lĩnh vực nào đó thì đòi hỏi phải coi nó là đam mê và tư duy chuyên nghiệp. Việt Nam chưa có trường đào tạo chính trị gia mà chỉ đào tạo chính khách cho đảng, nên cái khó của người dân chủ là phải luôn tự học, nâng cao kiến thức và không ngừng tự đào tạo mình. Học cái hay, cái đúng...của nhiều tầng lớp trong và ngoài nước, thậm chí học ở cả các cán bộ đảng, để bổ sung kiến thức chính trị cho mình.
Phản biện các vấn đề xã hội thì đa ngành, đa lĩnh vực. Người chính trị không thể am hiểu hết các lĩnh vực đó, nên cái hay nhất khi phản biện là tham khảo ý kiến của các chuyên gia của lĩnh vực đó để dùng làm cơ sở phản biện. Tuy nhiên không làm con vẹt, mà có sự lắp ghép vấn đề phản biện vào bức tranh chính trị có liên quan, để cân nhắc và đa chiều khi phát ngôn, nhằm giúp quần chúng có cái nhìn tổng thể về vấn đề cần phản biện trên cơ sở lấy lợi ích quần chúng làm trọng hơn là lên tiếng để đánh bóng cá nhân mình.
Các đảng viên, nhất là lãnh đạo cao cấp, trong quá trình làm việc, thăng tiến và công tác, họ có kinh nghiệm trong tầm nhìn từ địa phương đến quốc gia và có thông tin ( còn làm tốt hay kém là chuyện khác) mà người dân chủ không có đủ cái này, do đó càng cần nỗ lực nhiều hơn để ngang tầm đối lập. Dân chủ Việt Nam mạnh hay không là có sản sinh ra được những người chính trị đủ tầm đối lập về tầm nhìn với cán bộ đảng ở mọi tầng nấc nhiều hay ít.
Tất cả những điều nay tôi cho nó cái tên là chính khách nhân dân. Theo đánh giá của cá nhân tôi, trừ đảng chưa nói, về phía nhân dân hiện nay, cả trong và ngoài nước, số nhân vật có thể đủ tầm là chính khách nhân dân chưa đến 10 người, thậm chí một số lãnh đạo hội đoàn chính trị-dân chủ cũng chưa đủ tầm mức, đó cũng là nguyên nhân phong trào dân chủ rất yếu.
Chưa đủ 10 chính khách nhân dân/ 100 triệu dân là tỷ lệ đáng suy ngẫm sau 40 năm có đối lập.
2/ Làm sao để có chính khách nhân dân (CKND)
CKND không tự sinh ra mà là nỗ lực cá nhân không ngừng nghỉ của người dân chủ và đòi hỏi cái giá phải trả cũng rất cao. Đi sai hướng thượng tôn lợi ích của đất nước và dân tộc thì đi tù, đi đúng hướng thì có khi trả giá về kinh tế cá nhân, nhu cầu cá nhân và cuộc sống gia đình bị xáo trộn...tất cả chỉ toàn khó khăn và nguy hiểm đợi chờ phía trước.
CKND là người tích lũy nội lực và nâng cao mình nên xã hội sẽ chậm biết đến do theo con đường nổi danh bền vững, nên từ lúc mọc mầm đến thành người của công chúng là 1 quá trình tính bằng chục năm và hàng chục năm nên tồn tại đã là khó, chưa nói đến phát triển. Cần có những tấm lòng yêu nước hỗ trợ vô vụ lợi trong giai đoạn này. Và ngược lại, cần tránh tư duy ăn xổi ở thì, bạo phát bạo tàn theo kiểu ngôi sao showbiz trong chính trị
Dân chủ đang là nhu cầu chính đáng và lan tỏa nhiều tầng nhiều giới trong xã hội nhưng không phải ai cũng là chuyên gia chính trị mà chỉ nổi tiếng và có ảnh hưởng trong lĩnh vực cũa mình. Do đó CKND cần có sự ủng hộ của các chuyên viên trong các ngành nghề khác để tiếng nói lan tỏa trong quần chúng.
Đây là vấn đề có đi có lại, CKND cần chứng tỏ tầm mức và tầm nhìn chính trị, lòng yêu nước và thượng tôn dân tộc của mình để thuyết phục họ. Và ngược lại, khi phát hiện thấy CKND đủ tầm để mình thích và ủng hộ, những người này cũng cần chủ động ủng hộ để giúp nhau phát triển vì cái chung là dân chủ cho nhân dân
Quần chúng cũng vậy, từ giàu đến nghèo, nếu ai thấy quốc gia cần dân chủ và nhận ra CKND có phong cách mình yêu thích thì cũng nên ủng hộ họ để họ đi tiếp con đường đại diện cho mình lên tiếng.
Bỏ bớt 1 chầu nhậu, bớt mua một cái áo đẹp để giúp đỡ cho 1 CKND chính là góp tay tiến bộ chính trị quốc gia, nếu mình chưa hưởng dụng lợi ích từ tiến bộ đó thì chắc chắn con cháu mình sẽ có. Sẽ không có một đội ngũ CKND nào đủ tầm để đại diện cho quần chúng tranh đấu mà không có sự chung lo âm thầm của quần chúng.
Chính trị là con đường dài hơi, đòi hỏi người dân chủ, CKND và quần chúng cần có những suy nghĩ dài hơi.
Nguyễn An Dân-03/12/2016

Chia sẻ bài viết này :


Đăng nhận xét

 
Copyright © 2014. Nhà Báo Nguyễn An Dân - All Rights Reserved
Proudly powered by Blogger