PHÂN TÍCH VỀ CLIP CỦA TƯỚNG TRƯƠNG GIANG LONG (PHẦN 5)

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017 | comments

Trong phần tiếp theo thì ông Trương Giang Long phê phán Mỹ, khen Nhật, phê phán dân chủ và khen ngợi đảng và nói về bối cảnh chuyến thăm Mỹ của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Xin tách ra như thế và chia làm các ý, sau đó sẽ có 1 bài kết luận toàn bộ

Ý 1 : PHÊ PHÁN DÂN CHỦ
Ông Tô Lâm lên thứ trưởng an ninh vào ngày 12/08/2010, như vậy câu nói mà tướng Long nhắc lại là ông Tô Lâm nói với đại sứ Mỹ Ted Osius vào năm 2014 " "ngài sang làm đại sứ lần này thì đừng đi theo vết xe đổ mà những người tiền nhiệm của ngài đã từng đi!".
Tôi tin là câu nói này có thật, vì nó nằm trong bối cảnh phía sau gắn vào trả lời của đại sứ Mỹ. Dĩ nhiên clip này được tung lên có tính toán, do đó nếu tướng Long bịa chuyện, nó sẽ gây ra scandal về ngoại giao.
Muốn xét câu nói này phải đặt bối cảnh dân chủ trong lâu dài nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xét nó trong bối cảnh 10 năm nay để bài viết không quá dài.
Trong một bài diễn văn của mình (khoảng năm 2006), tổng thống Bush đã nói "Mỹ sẽ ủng hộ những ai tự đứng lên trên đôi chân của mình" và được giới vận động chính trị cho Việt Nam khen ngợi và trông đợi. Cũng trong năm 2007, Bush gặp 4 người được coi là đại diện tiêu biểu cho phong trào tranh đấu ủng hộ dân chủ cho VN ở Mỹ.
Khi biết có cuộc gặp đó, tôi rất từng trông đợi và hi vọng về một phong trào yểm trợ dân chủ ở Mỹ nói riêng và cộng đồng người Việt thế giới nói chung đoàn kết, hiểu rõ sách lược chuyển hóa đảng CSVN của Mỹ, gắn kết nó vào phong trào dân chủ VN để việc tranh đấu đạt hiểu quả hơn, phát triển nhanh hơn và thiết thực hơn, nhưng thật sự 10 năm nay tôi thất vọng.
Người Việt hải ngoại, trong bối cảnh không có an ninh đảng dòm ngó và đàn áp, không lo bắt bớ tù đày, nhưng đã không thể đoàn kết được. Hải ngoại không đoàn kết được lấy gì trong nước đoàn kết được ?
Có khoảng 60% người đối lập chính trị trong nước có sự gắn bó từ ít đến nhiều với hải ngoại và các lùm xùm bê bối trong giới đối lập chính trị-dân chủ cũng đa phần từ những cá nhân-hội nhóm trong nước có dính dáng nhiều đến hải ngoại mà sinh ra, làm tai tiếng và mất uy tín cho phong trào chung trong mắt nhân dân. Việc hỗn loạn này cũng có trách nhiệm lớn của người việt hải ngoại. Đây là sai lầm thứ nhất
Tiếp theo, trong khi chính phủ các nước đều đa phần công nhận đảng CSVN là một đảng cầm quyền và có bang giao chính sách. Nhưng thay vì cần tìm hiểu chính sách của chính phủ các nước đó để tác động, dự báo ,đóng góp... cho tiến trình dân chủ VN đi đúng hướng, vừa chuyển hóa đảng CSVN vừa góp phần nuôi dưỡng phong trào mạnh lên thì lại ít quan tâm để làm. Đây là sai lầm thứ 2.
Đa phần chỉ nhắm vào việc làm sao chi phối cá nhân này hội đoàn kia trong nước để lái họ theo đường lối của phe phái mình là chính, trong khi đường lối đó có phù hợp không, có thực tế không, có lợi ích thật sự cho nhân dân và đất nước không thì chưa chắc. Không phải là tất cả, nhưng có bao nhiêu người được hải ngoại "bơm thổi" lên quá lố gây tai tiếng cho phong trào ?
Người Việt hải ngoại mà có liên quan đến tranh đấu trong nước đa phần là có liên quan đến VNCH, nhưng thay vì ủng hộ tranh đấu để phục hồi những giá trị dân chủ của VNCH đã có để tiến đến một Việt Nam Mới dựa trên những gì đã và đang có, thì lại hướng về tranh đấu để khôi phục VNCH. Đó là sai lầm thứ 3.
Những người tranh đấu dân chủ trong nước nếu không có hoặc ít dính dáng đến các phe phái ở hải ngoại thì hầu như Mỹ không biết đến vì các phe phái đó không giới thiệu với chính phủ Mỹ, như vậy các hội đoàn đảng phái ra đời ở hải ngoại là để "nuôi gà của mình" là chính, chứ chưa hẳn là vì lợi ích của đất nước. Đó là sai lầm thứ 4.
Năm 2006, khi Giáo sư Nguyễn Đình Huy, một thành viên của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến ra tù sau 20 năm bị giam giữ, tôi có đến thăm ông để hỏi về sách lược đấu tranh, thì ông nói "Cộng sản bây giờ và về sau không còn là cộng sản ngày xưa nữa" Nhưng tiếc là người Việt hải ngoại không chịu nhìn như thế. Đây là sai lầm thứ 5.
Và đó cũng là cái hậu quả mà 10 năm nay phong trào dân chủ VN phải nhận lấy, bên cạnh những phát triển về lượng do sự nới rộng dân chủ hơn của đảng CSVN, do sự bức xúc của quần chúng tự đứng ra tranh đấu, thì sự hụt đi về chất là điều thấy rõ.
Một thế hệ tranh đấu trước tôi, vì dân vì nước thật sự, có tâm, có tầm..thậm chí được đảng CSVN tôn trọng, đã ra đi, hoặc đã già và dừng tranh đấu. Một thế hệ ngang ngang với tôi thì đi tị nạn chính trị ở Mỹ gần hết, còn những người như tôi ở lại thì cô đơn, tự phấn đấu và tìm lối đi cho mình và dìu dắt các bạn trẻ hơn.
Tôi có quen những người tranh đấu ở hải ngoại thuộc thế hệ 60-70 tuổi. Tôi kính trọng họ vì cái tâm, tầm và quá trình tranh đấu âm thầm bền bỉ. Họ dạy cho tôi cái nhìn về thế giới, họ nghiên cứu chính sách Mỹ-Việt để dạy cho tôi về chuyển hóa, họ tập cho tôi hiểu tự do là con đường và dân chủ là lề lối, có mấy người như họ ? và họ dạy được cho bao nhiêu người như tôi ?
Số lượng họ rất ít và ngày càng già, dần dần chết đi, ai sẽ thay họ làm những điều đó cho phong trào dân chủ Việt 10-20 năm nữa ? Một khoảng trống khổng lồ về chuyển giao thế hệ, có bao nhiêu người biết tôi từng nghĩ và thở dài lo lắng ?
Những thế hệ trẻ lớn lên, vì bất mãn chính quyền mà đứng ra tranh đấu thì có mấy ai ở các hội đoàn đảng phái hải ngoại chịu khó dạy dỗ họ nghiêm túc, trau dồi về đạo đức chính trị và lối sống, cho họ tầm nhìn và củng cố cái tâm yêu nước sâu sắc tận đáy lòng, hay chỉ dạy họ làm truyền thông, viết lách, tố cáo lên án CSVN... càng nhiều càng tốt, chạy theo và tạo ra các sự kiện để đánh bóng tên tuổi cho đảng phái của mình ? đó là sai lầm thứ 6.
Mỹ có đảm bảo tất cả những người mà đại sứ Mỹ gặp gặp gỡ là thật sự tranh đấu vì nhân dân, vì đất nước VN hay không ? Hay Mỹ cũng chỉ lắng nghe vì sự bơm thổi của phe này phái nọ ở hải ngoại. Đừng coi thường phát biểu của ông Tô Lâm khi ông nói với Ted Osius "ngài sang làm đại sứ lần này thì đừng đi theo vết xe đổ mà những người tiền nhiệm của ngài đã từng đi!".
Ông Tô Lâm có tư thế để nói câu đó, vì chính những bê bối của cộng đồng đấu tranh của chúng ta, và chính ông là người được đại sứ Mỹ khác khen ngợi.
Sự thật thì mất lòng, nhưng chỉ có sự thật mới giải phóng chúng ta. Tôi có thể bị "ném đá" trong phần này, nhưng tôi phải nói vì biết đã đến lúc phải nói.
Kỳ sau: tướng Long "Phê Mỹ và khen Nhật".
NAD
Chia sẻ bài viết này :


Đăng nhận xét

 
Copyright © 2014. Nhà Báo Nguyễn An Dân - All Rights Reserved
Proudly powered by Blogger