Phần kết này sẽ tổng hợp lại các vấn đề tranh đấu tự do-dân chủ và tình hình Mỹ-Trung-Việt được nhắc đến trong clip.
1/ Mỹ-Trung Quốc và đảng CSVN
Mỹ vẫn đeo đuổi chính sách thúc đẩy một bộ phận trong đảng CSVN chuyển hóa và lên cầm quyền và Trung Quốc chống lại sách lược này. Khác với chính sách cũ là ủng hộ mềm, Mỹ sẽ chuyển sang ủng hộ nhưng cứng rắn bằng cách ép đảng CSVN phải thực thi đúng, đầy đủ những gì song phương đã ký kết. Kém theo đó là những chế tài về kinh tế-thương mại-viện trợ-quân sự khi cần thiết để phe chuyển hóa trong đảng CSVN có ưu thế hơn trong đàm phán với phe bảo thủ khi cần.
Về phía TQ dĩ nhiên sẽ tác động và thông qua phái thân TQ trong nội bộ đảng CSVN để kềm chế không cho phe chuyển hóa đủ mạnh để nắm quyền tối cao trong đảng. Đảng CSTQ dĩ nhiên biết chuyển hóa không làm Việt Nam có tự do-dân chủ ngay lập tức nhưng tạo tiền đề cho điều đó, và làm VN "xa dần TQ" hơn.
Trong tình hình mới về các trục đồng minh lớn và nhỏ do Mỹ thúc đẩy đã hình thành lại từ cuối 2015 đến nay, thì việc TQ khó có thể cứng rắn hơn về quân sự với VN là điều có thể thấy rõ. Bất kỳ động thái động binh nào của TQ trước lúc này trong biển Đông có thể làm cán cân quyền lực lệch hẳn về phe chuyển hóa.
Phe chuyển hóa trong đảng CSVN cũng muốn nắm quyền lực để phù hợp với nhu cầu của đất nước, mong muốn của tư bản và tham vọng quyền lực cá nhân của họ và đó là con đường tất yếu của đất nước và đảng CSVN phải đi qua nếu đảng CSVN muốn giữ đảng, giữ nước và hạ nhiệt lại một phần sự bức xúc của quần chúng.
Tuy nhiên vì họ cũng là đảng nên dĩ nhiên không nên trông mong họ làm đảng chết. VN không phải là Liên Xô và áp lực của dân chủ trong đảng và trong nhân dân hiện nay chưa đủ để làm đảng phải lựa chọn việc giải tán. Dù ai ghét đảng CSVN cỡ nào thì cũng cần thừa nhận cái mình mong muốn, cái đa số quần chúng muốn và cái mình có thể làm là những cái luôn có sự khác nhau.
Việc phe chuyển hóa thắng cuộc và lên cầm quyền, thực thi đổi mới 2 như tờ CAND đưa tin cũng là tốt một phần cho đất nước, tránh cảnh nội loạn và lệ thuộc sâu vào TQ là điều cần được khích lệ. Trong bối cảnh những hội nhóm tranh đấu chính trị đối lập đang như mớ bòng bong hiện nay, khó có thể có hi vọng gì cạnh tranh quyền lực được với đảng CSVN trong hiện tại và 5 năm phía trước, sau đó tính sau.
2/ Phe tự do-dân chủ
Trách nhiệm của phe dân chủ là cần thống nhất, đoàn kết lại trong tư duy và định hướng trước những vấn đề lớn của đất nước để có sự kết nối và phối hợp chung khi cần. Không thể có sự đoàn kết nào về mặt tổ chức lúc này do chính đảng CSVN sẽ đàn áp cũng như do chính nội tại những người dân chủ khó thể làm được.
Do đó thay vì kêu gọi đoàn kết về tổ chức, những người tâm huyết, có tâm và tầm cần đoàn kết trong tư duy, trong hành động, trong phát ngôn..để quần chúng đi theo. Tất cả phải lấy lợi ích đất nước và dân tộc làm nền tảng và định hướng, tạm thời bỏ qua lợi ích phe nhóm riêng của mình thì mới hi vọng phong trào phát triển và được quần chúng tin cậy gia nhập.
Mặt trận tranh đấu phải chính thức nằm trong nước về định hướng, đường lối và tư tưởng. Quỹ hoạt động chính trị cũng phải gây dựng dần dần từ trong nước dựa trên uy tín và đường lối đưa ra của phong trào. Hải ngoại vẫn tiếp viện như trước đây đã làm, đóng góp giúp đỡ truyền thông, quốc tế vận nhưng cần tránh đi vấn đề yêu sách, vấn đề "Mỹ hóa" người đấu tranh, vấn đề đich-ta trong quan điểm, vấn đề đòi hỏi chỉ có lật đổ và "tiêu diệt" đảng CSVN.
Con đường đi đến dân chủ là tự do chứ không phải mưu cầu quyền lực chính trị trong tranh đấu. Tranh đấu để đòi tự do cho quần chúng và vì lợi ích thiết thực của quần chúng thì sau đó dân chủ sẽ tự nó đến và quyền lực sẽ tự đến tiếp theo.
Một khi người tranh đấu có đủ tự do để nắm giữ và thực thi quyền lực phát ngôn, quyền lực thông tin..của chính mình một cách đúng đắn, hợp lý dựa trên lợi ích chung thì phong trào mới hi vọng có thể đủ mạnh, đủ tính chính nghĩa để đòi hỏi đảng CSVN chia sẻ 3 quyền lực kia và để thúc ép đảng chuyển hóa nhanh hơn.
Sau cùng, phe dân chủ cần thấy rằng công an-quân đội là 2 trục xương sống của đất nước, dù đấu tranh theo đường lối nào thì khi đất nước chuyển hóa thì vẫn cần 2 lực lượng đó để bảo vệ an ninh chính trị quốc gia.
Bản thân người dân chủ không thể có nghiệp vụ người lính để đi làm thay họ điều đó, do đó việc tranh thủ tối đa gây cảm tình, tránh xung đột không cần thiết là điều cần hết sức chú ý. Chuyển hóa là chuyển hóa tư duy của họ, chứ không phải khi chuyển hóa là tước bỏ vai trò cần thiết của họ trong bối cảnh đất nước cần ổn định để phát triển tiếp tục.
Một khi đã thấy, đã hiểu và đã tư duy là tranh đấu dựa trên thượng tôn lợi ích, quốc gia dân tộc thì ai là an ninh, ai cài cắm, ai chia rẽ..sẽ không còn đặt nặng nữa. 3 năm nay tôi đã không còn thấy có an ninh trong dân chủ, nhưng tôi thấy có dân chủ trong an ninh và trong đảng CSVN.
3/ Phe chuyển hóa-phe dân chủ trong lợi ích quốc gia
Phe chuyển hóa dù chưa nắm hẳn quyền lực tối cao nhưng cần ban hành những chính sách ích nước lợi dân trong phạm vi mình có thể làm được dần dần để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng khi cần. Muốn quần chúng và phe dân chủ chuyển hóa cái nhìn về mình, phe chuyển hóa cần đặt lợi ích đất nước-nhân dân khi ban hành quyết định, ra chính sách..Phải thể hiện cho được tinh thần thượng tôn hiến pháp-pháp luật lên trên nghị quyết đảng.
Tất cả cần có cái nhìn là Mỹ, Nhật, hay TQ không quan trọng ở VN là thể chế nào hay đảng phái nào lãnh đạo, mà chỉ cần nghe lời họ khi họ cần là họ thấy đủ. Do đó tự do của người VN phải do chính người VN quyết định, thể chế nào là do chính lòng dân quyết định chứ không phải là do mong muốn của một nhóm người nào, dù là đảng CSVN hay các đảng khác trong và ngoài nước.
Nếu để lật đổ đảng CSVN vì nghĩ rằng "cả đảng bán nước cho TQ" rồi để đưa lên một đảng khác cũng yếu kém về tầm nhìn, lỏng lẻo trong tổ chức và dễ bị các đại cường giật dây thì cũng chỉ là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa mà thôi. Bài học Israel cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hiểu về con đường độc lập cho VN trong tư thế nằm cạnh một láng giềng độc tài nhiều tham vọng.
Một khi phe chuyển hóa đủ mạnh để nắm quyền lực tối cao, tốt nhất là tách đảng làm hai, phe thân tư bản về một đảng và phe thân TQ về một đảng, chỉnh sửa lại hiến pháp. Hai đảng cứ tiếp tục chia nhau ghế và quyền lực nếu thích về hành pháp và tư pháp, nhưng lập pháp (quốc hội) thì chia bớt 30% số ghế cho nhân dân để chính trị quốc gia có bước khởi đầu thay đổi trong ổn định, hòa bình và giữ được đà phát triển. Các việc khác lại dần dần tính sau.
Đó là con đường tôi nghĩ rằng có thể khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay và dĩ nhiên cần sự góp ý của các bạn.
NAD
Đăng nhận xét