Vai trò của báo chí và xã hội dân sự

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014 | comments

Sự kiện bắt giữ hai cựu cán bộ công an và hai nhà báo của Tuổi Trẻ và Thanh Niên minh chứng cho những điều đã được thảo luận trên một số diễn đàn tại hải ngoại và trong nước.



Đó là thảo luận về xã hội dân sự, về vai trò của nó cũng như của truyền thông trong tiến trình chuyển hóa tại Việt Nam hiện nay.

Tự do chỉ thật sự có được khi có một xã hội dân sự độc lập với chính quyền, trong đó các nhà báo tự do là một mũi nhọn tiên phong.

Dân chủ chân chính cũng chỉ có được khi người dân thật sự có được quyền làm chủ xã hội, thật sự được hoạt động độc lập và làm đối trọng với chính quyền.

Nhận diện và hỗ trợ

Những gì đã và đang xảy ra trong vài năm gần đây trong nhiều thành phần xã hội khác nhau tại Việt Nam: công nhân, nông dân, nhà báo, nhà giáo, sinh viên v.v., cho thấy một xã hội “do dân và của dân”, không do đảng và của đảng, đang xuất hiện.

Nhiệm vụ của những người dân chủ là nhận diện được những sự kiện và những nhân tố, nhân sự này để hỗ trợ tích cực và hữu hiệu cho họ, nhằm đẩy nhanh tiến trình hình thành vững chắc, mạnh khỏe của những nhân tố này.

Để giúp họ sớm có đủ sức mạnh để độc lập, rồi chuyển thành một lực lượng đối trọng, và tiến đến đối lập, với giới cầm quyền độc đoán, độc quyền hiện nay, thu hẹp dần không gian sinh tồn của nó, “bào mòn” dần và nhanh thế và lực của nó, làm bộc lộ rõ tính chất bất lực, phi chính nghĩa của nó, để cuối cùng nó sẽ bị tan rã, hoặc “tự vỡ”, hoặc bị lật đổ bằng phong trào quần chúng nổi dậy, hoặc bằng cả hai.

Việt Nam đang chín muồi cho việc chuyển vào giai đoạn cuối cùng của tiến trình này. Đang bộc lộ mối mâu thuẫn-triệt tiêu (zero-sum) giữa các thành quả tích cực của phát triển kinh tế với các hậu quả tiêu cực đầy tai họa của suy thoái văn hóa-xã hội.

Các sự kiện đang đẩy nhanh tiến trình thay đổi Việt Nam vào giai đoạn chót, giai đoạn chuyển hóa thể chế chính trị, sau hai giai đoạn chuyển hóa kinh tế; nới lỏng không gian sinh hoạt xã hội và mở cửa bang giao quốc tế – hai giai đoạn mà đảng Cộng sản Việt Nam không thể không thực hiện để tồn tại sau sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu.

Các thực thể ngoài luồng

Công việc của những người dân chủ trong-ngoài nước là nhân diện được các sự kiện, nhân tố và nhân sự độc lập đang xuất hiện ở cả bên trong hệ thống chính trị-văn hóa “quan chính” và bên ngoài xã hội, trong “dân chính” hay ngoài luồng.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hệ thống Tin Lành “tại gia”, các nhóm trẻ, nhỏ, chính trị-văn hóa-xã hội “tại gia”, các bloggers tự do…đang là những nhân tố của một thực thể như thế.


Mạng Internet tạo sự năng động cho các luồng thông tin ngoài tầm kiểm soát của hệ thống chính trị

Được hỗ trợ, các thực thể này sẽ lớn mạnh lên, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến trình chuyển hóa xã hội vào giai đoạn cuối cùng, giai đoạn sụp đổ của một chế độ chính trị vốn đang gây trở ngại cho sự phát triển một nước Việt bền vững và lành mạnh

Đây là một hệ thống không xây dựng trên sự chọn lựa tự do và đồng thuận của đa số nhân dân, mà trên tranh chấp đặc quyền-đặc lợi của các nhóm đại gia chính trị-thương mại, và trên qui luật của chế độ tư bản thời kỳ “rừng rú”, không phải pháp trị (rule of law ).

Nhìn một cách khách quan và tự nhiên thì giai đoạn này đã bắt đầu rồi, chỉ cần đẩy nhanh và đẩy đúng nữa mà thôi. Đây là trách nhiệm và công việc của mọi người Việt quan tâm đến hiện tình đất nước và tiền đồ của dân tộc – một công việc không đơn giản nhưng hiện đã có điều kiện để trở thành khả thi.

Đoàn Viết Hoạt
Chia sẻ bài viết này :


Đăng nhận xét

 
Copyright © 2014. Nhà Báo Nguyễn An Dân - All Rights Reserved
Proudly powered by Blogger