Tổng Quan Về Lộ Trình:
1. Để chủ động thúc đẩy tiến trình dân chủ nhanh và rộng, chúng tôi đưa ra Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện nhằm hai mục tiêu cụ thể. Một
là tạo môi trường và điều kiện xã hội chín muồi cho việc ra đời xã hội
dân sự ngay trong lòng xã hội hiện nay ở trong nước và vượt khỏi sự ngăn
chặn của giới cầm quyền. Hai là đẩy mạnh cuộc vận động đòi dân chủ hóa
chính quyền, nương vào sức mạnh của xã hội dân sự, vào tình trạng “không
thể không” do xã hội dân sự tạo ra.
Trong hoàn cảnh của Việt Nam,
việc xây dựng một xã hội trong đó người dân chủ động cải thiện toàn diện
đời sống vật chất và tinh thần của họ là điều vừa cần thiết, vừa khả
thi. Cần thiết vì mức sống người dân quá thấp, họ cần có cơ hội để thăng
tiến đời sống càng nhanh càng tốt. Khả thi vì chính nhu cầu tồn tại của
mọi tầng lớp xã hội và mọi thành phần dân tộc, dù khác biệt về chính
kiến, địa phương, tôn giáo, nghề nghiệp, đòi hỏi và cho phép thay đổi
mọi mặt sinh hoạt hàng ngày của xã hội. Hơn thế nữa, từ 1990 đến nay Mỹ
và quốc tế đã và đang thúc đẩy thay đổi xã hội toàn diện và ổn định ở
Việt Nam vì điều này có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực và trên
toàn thế giới, cũng như phù hợp với lợi ích riêng và chiến lược toàn cầu
chung của họ.
Về phần dân chúng, nhờ được cải thiện đời sống vật chất,
người dân sẽ nẩy sinh thêm nhu cầu cải tiến đời sống tinh thần. Từ đó có
thể tạo điều kiện để phát triển các hoạt động dân sự (của dân và do
dân), làm cho người dân ngày một có cơ hội phát huy tiềm năng một cách
chủ động và tự lập hơn nhờ đó toàn thể xã hội ngày một tăng trưởng và
tiến bô. Điều này lại tạo thêm áp lực thúc đẩy xã hội và người cầm quyền
phải thay đổi toàn diện và nhanh chóng. Các vấn đề dân sinh và dân
quyền là mục tiêu đồng thời là động cơ thúc đẩy mọi tiến bộ xã hội. Dân
chủ là hiệu quả của những tiến bộ xã hội đồng thời tạo môi trường và
điều kiện để bảo đảm cho những tiến bộ đó được công bằng và bền vững.
Đây là tiến trình thay đổi xã hội một cách hoà bình ổn định, tránh mọi
rối loạn xã hội. Tiến trình này có lợi cho mọi thành phần dân tộc và mọi
tầng lớp dân chúng. Đây cũng là tiến trình gia tăng sức mạnh toàn diện
của người dân để họ trở thành một thế mạnh xã hội kiềm tỏa dần sức mạnh
của người cầm quyền, để tiến đến lấy lại quyền chính trị, tự do quyết
định chọn lựa người cầm quyền. Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện được đưa ra
nhằm thúc đẩy tiến trình này.
2. Trong sáng và toàn diện:
a. Trong việc thực hiện Lộ Trình Dân Chủ chúng ta sẽ vận dụng mọi
hướng (nhà nước, tư nhân, quốc tế, hải ngoại, trong ngoài đảng cộng sản)
nhưng không đảng phái hóa cuộc vận động, ngay
cả trong giai đoạn 3 khi vận động cho việc dân chủ hóa chính quyền.
Không đảng hóa vì không nhằm vận động riêng cho một cá nhân, đảng phái
hay nhóm chính trị nào, mà cho môi trường và cơ chế dân chủ chung cho
mọi đoàn thể chính trị. Lộ Trình trung thành với đường hướng chính trị
là vận động dân chủ cho mọi người, mọi khuynh hướng và đoàn thể chính
trị khác nhau, không có đặc quyền và biệt lệ cho một cá nhân hay đoàn
thể nào. Trong tinh thần đó, Lộ Trình sẽ được vận động rộng rãi, trong
sáng, với sự tham gia của mọi cá nhân, đoàn thể, thuộc mọi lãnh vực hoạt
động xã hội, cả trong và ngoài nước, và với quốc tế. Khẩu hiệu của cuộc
vận động rộng lớn này là: “Dân chủ ngay bây giờ, ở đây và cho mọi người
Việt”.
b. Trong bối cảnh chính trị độc đảng, độc quyền CS hiện nay ở trong
nước cuộc vận động dân chủ và những người tham gia cuộc vận động không
nhằm mục đích tranh thủ ưu thắng cho riêng một cá nhân và đoàn thể chính
trị nào còn bởi một lý do đơn giản là vận động theo chiều hướng này gặp
các trở ngại sau đây:
(1) đối với cộng sản: khó thắng được họ vì “đấu nhau” trên “sân chơi và
luật chơi” của họ (tranh quyền và giữ quyền là “nghề” của họ);
(2) đối với nhân dân: họ không tham gia vì họ cho rằng đây là cuộc
“tranh quyền” không liên hệ đến họ và không phải là công việc của họ;
(3) khó thuyết phục được quốc tế ủng hộ: quốc tế dễ dàng ủng hộ nhân
quyền và dân quyền hơn, trong khi vẫn có thể đi với đảng cầm quyền. Quốc
tế sẽ không thể ủng hộ cuộc vận động dân chủ nếu họ cho rằng chúng ta
“tranh quyền” với cộng sản đang cầm quyền.
c. Tuy nhiên, cần minh xác rằng một nước Việt tự do dân chủ cần có những chính đảng và những nhà chính trị tài giỏi mang vóc dáng thời đại và với tầm cỡ quốc tế.
Cuộc vận động của chúng ta hiện nay chính là nhằm tạo môi trường và
điều kiện để những chính đảng và chính trị gia như thế tự đào luyện và
xuất hiện được, vì qua cuộc vận động chỉ vì quyền lợi của dân chúng và
của dân tộc này mà quần chúng (trong nước) sẽ biết đến những chính đảng
và chính trị gia đó. Đồng thời chính trong môi trường và điều kiện tự do
dân chủ chân chính mà những chính đảng và chính trị gia mới phát huy
được khả năng lãnh đạo đất nước để dân chúng chọn lựa.
3. Đối tượng vận động:
Có ba khu vực và ba đối tượng vận động trong Lộ Trình Dân
Chủ Toàn Diện. Ba khu vực là trong nước, hải ngoại và quốc tế. Ba đối
tượng là quần chúng, những tác nhân thay đổi (change agents), và nhóm
quyết định chính sách (policy makers). Tại mỗi khu vực đều có ba đối
tượng nhưng tính chất, thành phần, mục tiêu và phương thức vận động cụ
thể có thể khác nhau. Ở đây chỉ phân tích tổng quát cho cả ba khu vực.
a. Quần chúng: Mục tiêu chung của cuộc vận động đối với quần
chúng trong-ngoài nước là tạo tâm thức mới (“cùng sống giúp tiến”, cùng
tồn tại) và tầm nhìn mới (tầm nhìn của một nước Việt Nam trong thế kỷ
XXI) làm chất keo gắn bó mọi thành phần dân tộc và mọi tầng lớp dân
chúng, nhất là thành phần trẻ (hiện là đa số ở trong nước). Với trong
nước, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để mọi tầng lớp dân chúng phát
huy tiềm năng và chủ động được cuộc sống của họ, độc lập, và khi cần,
đối lập với chính quyền cộng sảnï. Với cộng đồng người Việt hải ngoại,
vận dụng được vị thế công dân tại mỗi quốc gia định cư để trực tiếp vận
động quốc tế hỗ trợ việc xây dựng xã hội dân sự và chính quyền dân chủ,
tiến đến phát triển một nước Việt văn minh và hưng thịnh trong thế kỷ
XXI. Đặc biệt chú trọng đến giới trung niên (30-40) và giới trẻ (duới
20) ở cả trong và ngoài nước.
b. Tác nhân thay đổi (change agents) là những cá nhân, nhóm,
đoàn thể tác động vào sự thay đổi của xã hội và chính quyền ở trong
nước, trong cộng đồng người Việt hải ngoại, trong các quốc gia và cộng
đồng quốc tế. Thành phần này bao gồm các chuyên viên thuộc mọi ngành
chuyên môn. Đa số ở lứa tuổi trung niên. Đặc biệt chú trọng thành phần
này trong các hội đoàn xã hội, nhất là trong chính quyền và đảng cộng
sản ở trong nước. Mục tiêu là giúp họ tăng cường hiểu biết về mọi lãnh
vực (chú trọng các ngành nhân văn và xã hội), tiếp cận thế giới. Tạo cơ
hội cho giới này ở hải ngoại và trong nước gặp gỡ và cùng làm việc với
nhau. Đây là lực chuyển đổi chính của xã hội ở trong nước cũng như hải
ngoại, hiện nay và trong tương lai gần. Nhóm quyết định chính sách cần
đến nhóm tác nhân thay đổi trong cả hai công việc soạn thảo và thi hành
chính sách. Do đó nhóm tác nhân thay đổiï có thể tác động vào cả thượng
tầng chính quyền và hạ tầng xã hội. Chúng ta cần tạo quan hệ làm việc
tốt, tin cậy với những nhóm tác nhân thay đổi trong ngoài nước, nhất là
trong nước. Đối với quốc tế, vận động thành phần này trong các chính
phủ, các hội đoàn xã hội (NGO) và đoàn thể áp lực, các trường đại học và
trung tâm nghiên cứu, tạo sự đồng tình và ủng hộ đối với cuôc vận động
của những người dân chủ VN.
c. Nhóm quyết định chính sách: Trong các hội đoàn văn hóa xã
hội và đoàn thể chính trị thuộc mọi khuynh hướng chính trị, tư tưởng,
trong ngoài nước và quốc tế, trong và ngoài chính phủ nhưng đặc biệt chú
trọng thành phần cấp tiến của nhóùm này ở trong đảng cộng sản và chính
quyền CSVN hiện nay. Ba mục tiêu chính trong cuộc vận động nhóm cấp tiến
này ở Việt Nam là (1) đồng tình với cách giải quyết vấn đề Việt Nam của
chúng ta; (2) cảm thấy vừa cấp bách, vừa yên tâm và an toàn khi thay
đổi trong hai lãnh vực văn hóa và chính trị; (3) chấp nhận dân chủ hóa
chính quyền.
Ba Giai Đoạn của Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện
Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện bao gồm 3 công việc: (1) thiết lập hệ
thống và cơ cấu kinh tế thị trường; (2) tạo môi trường và điều kiện cho
việc hình thành xã hội dân sự và tăng cường sức mạnh vật chất và tinh
thần của người dân; (3) và cuối cùng là dân chủ hóa chính quyền. Ba công
việc này được tiến hành trong ba giai đoạn đan xen nhau, nghĩa là giai
đoạn sau khởi động ngay khi giai đoạn truớc đã tương đối phát triển, dù
chưa hoàn tất.
1. Giai Đoạn 1 (GĐ 1)
Thiết lập hệ thống kinh tế thị trường. Hội nhập kinh tế VN vào nền kinh tế thương mại khu vực và thế giới.
a. Ưu tiên phát triển khu vực tư nhân. Giải tư xí nghiệp quốc doanh.
Phát triển nhanh các doanh nghiệp tư nhân trên mọi lãnh vực.
b. Xây dựng hệ thống pháp trị trong kinh tế thương mại: Hiện nay luật
pháp tại Việt Nam còn dành nhiều ưu đãi cho quốc doanh. Luật pháp liên
quan đến kinh tế thương mại cần được sửa đổi để bảo đảm cạnh tranh được
thật sự tự do, có trách nhiệm và công bằng xã hội, giữa tư doanh, quốc
doanh và quốc tế trong mọi lãnh vực nhất là trong các lãnh vực như ngân
hàng, thuế, đầu tư, lao động, truyền thông, xuất bản phát hành…
c. Hội nhập thị trường quốc tế, khu vực và thế giới.
Từ 1990 đến nay VN đã và đang thực hiện giai đoạn 1 này với sự hỗ trợ
tích cực của quốc tế. Hiện đã vào thời kỳ cuối của giai đoạn này, đang
chuyển sang giai đoạn 2.
2. Giai Đoạn 2 (GĐ 2)
Phát triển các hoạt động dân sự. Người dân ngày càng có điều
kiện để chủ động cuộc sống, và độc lập hơn với nhà nước. Nhà nước nới
lỏng dần sự kiểm soát trong các lãnh vực ngoài lãnh vực kinh tế thương
mại, nhưng chưa sang lãnh vực chính trị. Hiện nay xã hội dân sự đang hình thành dần,
vừa do tự phát, vừa do nhà nước “buông lỏng” hoặc không quản lý nổi (vì
nhiều lý do khác nhau, kể cả ảnh hưởng hội nhập quốc tế). Cần tác động
để đẩy nhanh hơn tiến trình này, đặc biệt hỗ trợ các hoạt động tư nhân
trong mọi lãnh vực và giúp hình thành các tổ chức phi chính phủ ở trong
nước, dưới nhiều hình thức và giai đoạn phát triển khác nhau tùy hoàn
cảnh và điều kiện thực tế (thí dụ: từ bán chính phủ sang phi chính phủ,
từ hoạt động nhỏ hẹp không chính thức, sang rộng lớn có tổ chức chính
thức, từ hải ngoại đưa vào trong nước tiến đến hoàn toàn do trong
nước…).
Ba nỗ lực chính ở trong nước cần được hải ngoại và quốc tế
tích cực hỗ trợ: các giáo hội độc lập; các hoạt động giáo dục, văn hóa
tư tưởng thông tin độc lập của tư nhân; và các hội đoàn dân sự tư nhân
(NGO) của mọi thành phần, mọi giới, từ trí thức chuyên gia đến nông dân,
công nhân (công đoàn, nông đoàn độc lập)
a. Giáo dục: đã bắt đầu được cởi mở từ cuối 1980’s. Đã có
trường tư cả đại học, nay mở rộng cho đại học thế giới tham gia phát
triển, cả trong nghiên cứu học thuật (phi ý thức hệ); du học ngày càng
mở rộng. Đây là lãnh vực có thể và cần được đẩy nhanh hơn nữa, và sẽ tác
động sâu rộng đến các lãnh vực khác của xã hội. Chú trọng giao lưu giữa
sinh viên và chuyên gia trong ngoài nước và với quốc tế. Hỗ trợ cho đòi
hỏi “tự trị” đại học.
b. Văn hóa: xuất bản phát hành tư nhân (hiện chưa có, nhưng
có tư nhân hợp tác hoặc “núp bóng” quốc doanh); báo chí độc lập (hiện
chưa có, nhưng “lách” nhiều hơn, tinh vi hơn, tương đối tự do hơn trừ
đụng chạm HCM, lãnh đạo, đảng, ý thức hệ); văn học nghệ thuật (sáng tác
khá tự do), phim ảnh. Cần hỗ trợ các nỗ lực và sáng kiến tự lập dù chưa
thật sự độc lập. Đây là lãnh vực quan trọng trong quá trình tự do hóa xã
hội và phát triển xã hội dân sự. Hải ngoại chủ động hỗ trợ và thực hiện
giao lưu 2 chiều giữa giới văn nghệ sĩ, trí thức trong-ngoài nước và
đòi hỏi lưu thông các hoạt động văn hoá, văn học nghệ thuật, văn hóa
phẩm 2 chiều trong-ngoài nước (với tư cách công dân Mỹ gốc Việt)
c. Xã hội: Các hoạt động trong lãnh vực cứu tế xã hội hiện
đang được mở rộng hơn trước. Đã có một số hội đoàn quốc tế và hải ngoại
đã và đang thực hiện các hoạt động về cứu trợ, học bổng, y tế, cứu tế xã
hội, các loại học bổng, các hình thức tương trợ gia đình, làng xóm
không chính thức hoặc chính thức. Hướng đạo, các đoàn thể tín hữu như
gia đình phật tử đã được mặc nhiên cho hoạt động lại. Đây là lãnh vực có
thể đẩy nhanh và rộng khắp.
d. Tôn giáo: Các hoạt động tôn giáo độc lập cần được phục
hồi và trở thành đương nhiên và chính thức trong thời gian tới đây. Đây
là lãnh vực được quốc tế hỗ trợ mạnh nhất sau tự do thương mại. Tích cực
hỗ trợ các hoạt động văn hoá, giáo dục, xã hội do các giáo hội và tín
hữu thực hiện một cách độc lập với nhà nước.
e. Tăng cường tiếng nói và quyền lực của quần chúng: công
nhân (tổ chức lao động), nông dân, nhà giáo, nhà văn, nhà báo, chuyên
gia. Hỗ trợ các hoạt động độc lập với nhà nước trong mọi lãnh vực, đặc
biệt là trong lãnh vực văn hóa giáo dục và truyền thông.
3. Giai Đoạn 3 (GĐ 3)
Dân chủ hóa chính quyền. Đây là giai đoạn vận động để thiết lập chế độ dân chủ pháp trị. Các mục tiêu vận động cụ thể:
a. Cải tổ hành chánh công quyền: qui chế hóa và chuyên
nghiệp hóa công chức. Vận động tách nhà nước ra khỏi đảng về mặt chuyên
nghiệp hành chánh, tài chánh (ngân hàng, thuế, ngân sách), pháp chế.
Quốc tế đang áp lực Hà Nội thực hiện một số cải cách này.
b. Tăng cường quyền lực chính trị của các cơ quan dân cử đối với chính phủ và chính quyền các cấp. Tách Quốc Hội ra khỏi đảng, khỏi chính phủ, có thực quyền cao hơn chính phủ.
c. Tự do ứng cử và bầu cử ở cấp địa phương (không qua Mặt Trận Tổ Quốc) giữa người của đảng và người ngoài đảng cộng sản (dù chưa có đa đảng).
d. Báo chí độc lập. Tự do lập hội đoàn độc lập phi chính phủ.
e. Sửa Hiến Pháp, chấp nhận có các đảng phái ngoài đảng cộng sản.
f. Bầu cử tự do đa đảng có quốc tế giám sát.
Hiện nay chúng ta cần tích cực hỗ trợ việc phát triển khu vực tư nhân
ở trong nước trên mọi lãnh vực, nhất là các lãnh vực văn học nghệ
thuật, văn hóa, xã hội, giáo dục và thông tin, và hội nhập hai chiều
giữa hoạt động tư nhân hải ngoại và quốc tế với trong nước. Đồng thời
chuẩn bị cho Giai Đoạn 3. Đặc biệt cần vận động hải ngoại và quốc tế hỗ
trợ thực hiện các mục tiêu của Giai Đoạn 2 và Giai Đoạn 3.
Thực Hiện Lộ Trình:
Vì đây là chương trình hành động chung, được đưa ra để mọi cá nhân và
đoàn thể liên quan cùng tiến hành thực hiện nên chúng ta đề nghị một lộ
đồ thực hiện lộ trình này như sau:
1. Thảo Luận Về Lộ Trình: Đề xuất việc những người
dân chủ cần có một lộ trình dân chủ chung. Mọi cá nhân và đoàn thể nào
đồng ý đều có thể chủ động tổ chức các diễn đàn thu hẹp để thảo luận kỹ
và sâu về lộ trình dân chủ hóa Việt Nam. Lộ Trình này có thể được dùng
để gợi ý cho các cuộc thảo luận. Các diễn đàn có thể được tổ chức dưới
nhiều hình thức khác nhau, thích hợp hoàn cảnh mỗi nơi, trong thời kỳ
đầu nhằm mục đích thảo luận và đồng ý, trước khi thực hiện. Thời điểm từ
giữa năm 2003 trở đi tình hình dự kiến sẽ có nhiều biến chuyển thuận
lợi cho việc thảo luận rộng rãi về lộ trình dân chủ cho Việt Nam.
2. Xây Dựng Kế Hoạch Thực Hiện: Những cá nhân, đoàn
thể, diễn đàn nào đồng ý với đuờng hướng và những điểm chính của lộ
trình sẽ gặp nhau để thảo luận về việc thực hiện lộ trình đã được đồng
ý. Mọi chi tiết liên quan đến việc thực hiện lộ trình sẽ được quyết định
qua các buổi họp này. Các buổi họp sẽ được tổ chức nhẹ, gọn, không nặng
hình thức, không cần công bố, từng vùng, hoặc toàn cầu, tùy điều kiện
cho phép.
3. Thực Hiện Lộ Trình: bắt đầu ngay sau khi đã thoả
thuận được kế hoạch và chương trình thực hiện mọi nỗ lực sẽ được tập
trung tiến hành để thực hiện các công việc của lộ trình đã đồng ý, đặc
biệt chú trọng các công việc của giai đoạn 2. Chi tiết về phương pháp và
phương thức tổ chức thực hiện sẽ do những người tham gia quyết định.
4. Lộ Đồ Dân Chủ: Để chuẩn bị cho giai đoạn 3 của Lộ
Trình mà chúng tôi đề nghị, cần có một Lộ Đồ Dân Chủ (road map), tức
những bước đi cụ thể do tất cả những bên liên quan trong tiến trình dân
chủ hóa chính quyền tại Việt Nam thỏa thuận thực hiện. Lộ Đồ Dân Chủ là
chương trình chuyển tiếp hoà bình từ nền chính trị độc đảng hiện nay
sang chế độ dân chủ đa đảng. Thời điểm và phương thức vận động Lộ Đồ tùy
thuộc vào kết quả thực hiện giai đoạn 2 trong Lộ Trình chúng tôi đề
nghị, và vào tình hình chính trị xã hội trong nước.
Tổng Kết
Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện được soạn thảo vừa dựa trên xu
thế phát triển khách quan của thế giới, khu vực và Việt Nam, vừa dựa
trên nhân định và chọn lựa chủ quan về giải pháp tối ưu cho vấn đề Việt
Nam. Từ 1990 đến nay dưới áp lực của tình thế, của môi trường quốc tế,
khu vực, cùng với sự hỗ trợ của quốc tế, nhất là Mỹ, Việt Nam đã đi vào
giai đoạn 1 của Lộ Trình này. Điều kiện thực tế và môi trường tâm lý,
kinh tế, xã hội và chính trị hiện nay (2003) ở cả trong-ngoài nước và
quốc tế, trong-ngoài đảng cộng sản, đều đã chín muồi cho việc thực hiện
giai đoạn 2.
Sự thành công của Lộ Trình Dân Chủ là thành công chung của mọi cá nhân
và đoàn thể, dù khác biệt chính kiến và tư tưởng. Kết quả của dân chủ
hóa là có được một môi trường xã hội có cạnh tranh tự do nhưng lành mạnh
và công bằng cho mọi người, mọi khuynh hướng và đoàn thể, trong kinh tế
thương mại, văn hoá giáo dục cũng như trong chính trị. Quốc dân sẽ vừa
là mục đích vừa là trọng tài có quyền quyết định chọn lựa trong cuộc
cạnh tranh toàn diện, tự do và công bằng này.
Chúng tôi tin rằng Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện là khả thi vì
vừa phù hợp xu thế phát triển chung của nhân loại, vừa đáp ứng nguyện
vọng của đa số thầm lặng trong ngoài nước, cũng như ước mong của đa số
những cá nhân và đoàn thể hiện nay ở trong và ngoài nước quan tâm tới
tiền đồ dân tộc. Chúng tôi tin rằng Lộ Trình này khả thi cũng vì hiện
nay có nhiều yếu tố thuận lợi cả ở trong nước và hải ngoại. Nhận ra và
vận dụng được những yếu tố này thì có thể đẩy nhanh được tiến trình tự
do hóa xã hội và dân chủ hóa chính quyền. Chúng tôi cũng tin rằng cuộc
vận động cho lộ trình dân chủ toàn diện và toàn dân này sẽ tạo được một
môi trường hòa ái dân tộc cần thiết cho việc đối thoại về một hướng đi
chung cho dân tộc trong thiên niên kỷ mới.
Đoàn Viết Hoạt
Ba Giai Đoạn Trong Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện tại Việt Nam
Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014 | comments
Chuyên mục:
Đoàn Viết Hoạt
,
Kiến thức DC
Đăng nhận xét