Tầm nhìn thế giới và thời đại

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014 | comments


Để trao đổi về một tầm nhìn mới cho Việt Nam, trước hết chúng ta hãy thử phân tích xem thế giới trong thế kỷ XXI mà Việt Nam đang phải tiến vào có một viễn ảnh như thế nào? Một cách tổng quát thì ngay ở những năm đầu tiên này thế giới đang chuyển từ tranh dành quyền thống trị thế giới sang hợp tác quốc tế để giải quyết một cách bền vững những vấn đề chung của toàn thể nhân loại, nhất là những xung đột quốc tế. Bản thân xung đột quốc tế đang chuyển từ xung đột kinh tế chính trị, sang xung đột văn hóa, nếp sống, niềm tin tâm linh, tôn giáo. Thế giới sẽ chỉ có hòa bình bền vững khi tham vọng Âu-Mỹ hóa mọi bình diện đời sống nhân loại được giải trừ và thay thế bằng một tầm nhìn nhân loại hòa hợp Á-Âu Mỹ đồng thời với những cố gắng tạo dựng một cộng đồng nhân loại đa văn hóa của mọi dân tộc và cho mọi dân tộc.  


 Việt Nam đang bước vào một thời đại mới với một bối cảnh thế giới và nhân loại đã hoàn toàn đổi khác và đang mở ra những viễn cảnh mới. Nếu thế kỷ XIX là thế kỷ phát triển của Âu Châu ra toàn thế giới và thế kỷ XX là thế kỷ tranh dành quyền thống trị thế giới dẫn đến đối kháng lưỡng cực tư bản-cộng sản, thì hiện nay là thời kỳ quan hệ quốc tế phức tạp, là giai đoạn chuyển tiếp từ quốc tế hóa giả hiệu, cực quyền (quốc tế do Tây Phương hay Mỹ tạo ra), sang quốc tế hóa chân chính, tức là một quốc tế thật sự của mọi dân tộc. Quan hệ quốc tế trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay mang tính chất phức tạp và đa dạng với quan hệ Bắc-Bắc (giữa các nước giầu mạnh với nhau), quan hệ Nam-Nam (giữa những nước nghèo yếu với nhau), và quan hệ Bắc-Nam (giầu-nghèo).
Trong bối cảnh phức tạp đó chúng tôi cho rằng thế giới và nhân loại từ năm 2000 trở đi khoảng vài thập niên sẽ diễn biến trong tiến trình chuyển tiếp từ quốc tế hóa cực quyền sang quốc tế hóa chân chính, theo ba giai đoạn: (1) giải quyết những vấn đề còn xung đột Á-Âu Mỹ; (2) tái hòa hợp Á-Âu Mỹ; và (3) phát triển một cộng đồng nhân loại toàn cầu, một quốc tế chân chính –một thế giới của mọi dân tộc. Trong giai đoạn đầu vấn đề Hồi giáo cực đoan và Trung Quốc sẽ là các vấn đề nổi bật nhất. Trong giai đoạn ba, Phi Châu sẽ trở thành vấn đề trọng yếu nhất của thế giới. 
  1. CHÍNH TRỊ
Tại các nước phát triển cao, nền dân chủ sẽ tiến thêm một bước sâu và rộng hơn nữa, bớt đi tính chất đảng tranh, mang nhiều tính dân bản hơn, với sự tham gia trực tiếp hơn của mọi thành phần dân chúng vào mọi mặt sinh hoạt xã hội. Ba thành tố của nền dân chủ hiện nay (chính trị gia, doanh gia, và trí thức-chuyên gia) sẽ được tăng cường thêm bởi ba thành tố mới (những nhà hoạt động xã hội (NGO), giới truyền thông, và cá nhân các công dân quan tâm (qua các cuộc thăm dò dư luận).  Tại các nước mới phát triển, xu thế dân chủ pháp trị là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược được.
Trên bình diện toàn cầu, thế giới sẽ chỉ có hoà bình khi giải quyết được một cách công bằng và bền vững các xung đột quốc tế nghiêm trọng như xung đột Hồi gíáo cực đoan với Âu-Mỹ. Riêng Á Châu-Thái Binh Dương, hòa bình ổn định lâu dài chỉ có được khi ra đời một khu vưc Trung Hoa mới, phát triển bền vững trong dân chủ và tiến bộ, trong đó quyền dân tộc tự quyết và các dân quyền căn bản phải được tôn trọng. Đồng thời Liên Hiệp Quốc được tiếp tục cải tổ trong tiến trình tạo dựng nền dân chủ toàn cầu, để thật sự đại diện cho một cộng đồng quốc tế nhân bản toàn cầu, đa văn hóa và đa chủng tộc đang hình thành. Trong chiều hướng đó, các tổ chức khu vực, trong đó đáng kể là ASEAN, sẽ phát triển nhanh và ngày càng ổn định, góp phần đẩy nhanh tiến trình hình thành một cộng đồng quốc tế chân chính, của mọi dân tộc và cho mọi dân tộc.
  1. KINH TẾ THƯƠNG MẠI
Về mặt kinh tế thương mại, xu thế chung sẽ phát triển theo chiều hướng tư bản xã hôi hóa và toàn cầu hóa về mặt thị trường (vốn, kỹ thuật, và tiêu thụ) đồng thời cá thể hóa về mặt sản xuất và hưởng dụng. Trách nhiệm xã hội của các hoạt động kinh tế thương mại ngày càng được chú trọng hơn, đang mở đường cho sự ra đời một mô hình kinh tế mới, kinh tế thị trường xã hội (social market economy). Kinh tế thị trường thuần túy vì lợi nhuận tư bản cá nhân đang được điều chỉnh để trở thành nền kinh tế thị trường xã hội (social market economy), dung hòa lợi nhuận cá nhân với trách nhiệm xã hội trong một chế độ kinh tế-xã hội mới –chế  độ “tư bản xã hội hóa” (socialized capitalism), tạo nền tảng bền vững cho nền văn hóa nhân bản mới và thể chế chính trị dân chủ mới, chân chính, toàn dân, và trực tiếp (tham gia).
Đồng thời nền kinh tế tri thức và nền thương mại toàn cầu không biên giới sẽ phát triển mạnh, thúc đẩy quá trình hình thành cộng đồng nhân loại toàn cầu, nền dân chủ toàn cầu và nền văn hóa toàn cầu. Tự do giao thương liên quốc gia, toàn khu vực và toàn cầu, tác động trực tiếp tới sự phát triển tại mỗi quốc gia, đồng thời thúc đẩy xu thế toàn cầu hóa, tạo điều kiện và môi trường hình thành cộng đồng nhân loại đa văn hóa, đa chủng tộc.
Asia-Pacific sẽ trở thành trung tâm kinh tế thương mại quan trọng của thế giới trong nửa đầu của thế kỷ XXI, sau khi một cộng đồng Trung Hoa mới ra đời. ASEAN sẽ trở thành khu vực phát triển năng động thứ ba trên thế giới sau Bắc Mỹ (NAFTA) và EU. Một cộng đồng Trung Hoa mới ra đời, dân chủ và phát triển, sẽ đóng góp cụ thể và tích cực nhất vào việc tạo dựng kỷ nguyên Á Châu-TBD. 
  1. VĂN HÓA 
Về mặt văn hóa, có thể nói thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của văn hóa, và văn hóa sẽ mang tính nhân loại. Thế giới thu hẹp dần cả về không gian và thời gian, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu đa văn hóa, đa chủng tộc. Từ đó hình thành dần một ý thức và một nền văn hóa cộng đồng nhân loại. Đồng thời sinh hoạt văn hóa quốc tế càng phát triển càng thôi thúc sự hình thành những chuẩn mực giá trị đạo đức và tinh thần nhân loại mang tính toàn cầu, tính quốc tế, tính nhân loại — một tiêu chuẩn quốc tế chung cho các tiêu chuẩn quốc gia khác nhau làm chuẩn mực cho một đời sống nhân loại đang hình thành khắp nơi trên hành tinh. Trong bối cảnh đó quan hệ giữa dân tộc và nhân loại, giữa quốc gia và quốc tế, sẽ là một quan hệ mở và mỗi dân tộc sẽ có môi trường và điều kiện phát triển ngày càng dễ hơn và nhanh hơn. Đồng thời xu thế toàn cầu hóa là một thách thức nghiêm trọng đối với mỗi dân tộc: bản sắc văn hóa dân tộc phải tồn tại và phát huy như thế nào trong một nhân loại ngày càng hoà hợp đa văn hóa hơn?
  1. Á CHÂU 
Riêng đối với Á Châu, bối cảnh phát triển trực tiếp của Việt Nam, nếu thế kỷ XX là thế kỷ xung đột Á-Âu do hậu quả của thực dân hóa, của Âu Châu phát triển ra toàn thế giới, dẫn đến hậu quả Âu-Mỹ hóa Á châu, thì cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, Á Châu phục hưng cả trên kinh tế, văn hóa và vị thế chính trị quốc tế. Trong xu thế nhân loại hóa và toàn cầu hóa, một Á Châu phục hưng như thế sẽ tạo điều kiện cho sự tái hòa hợp Á-Âu Mỹ trong tinh thần kết hợp khoa học kỹ thuật Tây phương với đạo học nhân văn Đông phương. Khoa học nhân bản hơn và đạo học thực tiễn hơn. Á-Âu bổ sung lẫn cho nhau để cùng đóng góp vào việc hình thành nền văn hóa cộng đồng nhân loại toàn cầu trong xu thế phát triển con người một cách toàn diện và quân bình giữa vật chất và tinh thần, giữa tự nhiên và con người, giữa cá nhân với xã hội, giữa dân tộc với nhân loại, giữa quốc gia với khu vực và với quốc tế.
  1. NHÂN LOẠI VÀ DÂN TỘC 
Trong chiều hướng đó, tiến bộ của kỹ thuật cao (high-tech) đóng vai trò quan trọng. Internet và giao lộ thông tin điện tử quốc tế giúp tạo ra và tăng cường tính di động toàn cầu (global mobility). Cộng với tính di động xã hội (social mobility) trong mỗi quốc gia, và sự tự do thương mại toàn cầu, sự di động toàn cầu sẽ tạo thêm những yếu tố đồng nhất trong đời sống nhân loại, vượt qua những khác biệt ngôn ngữ, phong tục và lối sống. Đời sống nhân loại sẽ vừa đồng nhất hơn, lại vừa đa dạng, phong phú hơn. Đồng nhất về kiến thức, về mô hình phát triển kinh tế, tổ chức và quản lý xã hội, về phương pháp làm việc và giải quyết mâu thuẫn, xung đột. Phong phú đa dạng về văn học nghệ thuật, phong tục tập quán, ngôn ngữ. Một xã hội nhân đạo toàn cầu (global village) có nhiều điều kiện hơn để ra đời trong xu hướng: tuy dân tộc thì nhiều nhưng nhân loại vẫn là một. Bản sắc văn hóa mỗi dân tộc được trân quí như tài sản văn hóa nhân loại, như trăm bông hoa trong vườn hoa nhân loại.
  1. TÔN GIÁO 
Trong một thế giới toàn nhân loại như thế, tôn giáo tiếp tục đóng vai trò quan trọng, nhưng các tôn giáo có truyền thống tổ chức chặt chẽ sẽ gặp nhiều khó khăn về cơ cấu và nghi thức, đòi hỏi một đường hướng mới và nhiều cải tổ cơ cấu để tiếp tục đáp ứng được nhu cầu tâm linh của con người. Con người tiếp tục tiến trình mở rộng tầm nhìn tâm linh đa tín ngưỡng, tạo môi trường thuận lợi cho các quan điểm ôn hòa và hòa hợp tôn giáo. Đồng thời những hiểu biết mới về tự nhiên, về sự sống và về con người sẽ giúp phổ thông hóa và tăng cường thêm khả năng luyện tập và chủ động sinh tâm lý của con người đối với bản thân, xã hội và sinh thái. Nhờ đó con người có thêm những điều kiện mới để mở rộng và nâng cao sinh tâm thức ra đại tự nhiên và sự sống. Tôn giáo trong thế kỷ XXI sẽ phải giảm bớt đi nhiều giáo điều, lễ nghi hình thức và mang nhiều nội dung và sinh hoạt phong phú hơn và gần gũi hơn với đời sống thường ngày của con người. 

Đoàn Viết Hoạt
Chia sẻ bài viết này :


Đăng nhận xét

 
Copyright © 2014. Nhà Báo Nguyễn An Dân - All Rights Reserved
Proudly powered by Blogger